Trẻ Việt ước uống sữa, Đại sứ Thụy Điển rơi lệ

Tiêu chuẩn

Năm nay là năm 2011, ước mơ của trẻ em VN vẫn cứ giản dị và nhỏ nhoi như bao nhiêu năm về trước : ước ” được uống sữa”.  CGL còn ước thế chứ nói gì mấy bé vùng sâu vùng xa…CGL ước con CGL được uống sữa no nê mỗi ngày (mấy ngày này sữa lên giá, CGL càng ước tợn).

Thảm! Thảm thay!

Biết đến bao giờ  bọn trẻ VN mới thôi ước mình được có những quyền căn bản nhỉ?

_CGL_

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrström rất xúc động khi đọc những lá thư viết về chủ đề “Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?”.

Cảm xúc này được ngài Đại sứ chia sẻ rất giản dị trong buổi giao lưu với thầy trò trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, Hà Nội chiều 19/04/2011. Chuyến thăm của ông nhằm cổ vũ, khích lệ trẻ em Việt Nam mạnh dạn nói lên tiếng nói, viết ra ước mơ và tăng cường nhận thức về quyền của trẻ em.

Những ước ao “cay mắt”

Trong bộ vest màu xanh sẫm giản dị cùng nụ cười hóm hỉnh thường trực, Đại sứ Staffan Herrström bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với những lá thư, bài viết mà trẻ em từ khắp mọi miền Việt Nam gửi về Đại sứ quán Thụy Điển để tham gia cuộc thi Viết về quyền của trẻ em Việt Nam. Ông chia sẻ: “Dù chưa có điều kiện đọc được mọi lá thư, bài dự thi nhưng tôi đặc biệt xúc động trước bài dự thi của một em học sinh ở Giồng Trôm, Bến Tre. Thư viết về việc trẻ em nghèo, ở vùng sâu, vùng xa ước được uống 2 hộp sữa tươi mỗi ngày. Hay như bài viết khá hay, lập luận chặt chẽ của một học sinh ở Hải Phòng, về việc cần phải thay đổi nhận thức của toàn xã hội để cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em”.

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrström (cầm hoa) chụp ảnh kỷ niệm với học sinh trường Sơn Tây.

Trong không khí thân thiện, gần gũi và cởi mở của buổi giao lưu, nhiều “câu hỏi khó” về vấn đề quyền của trẻ em và trách nhiệm của người lớn đối với việc giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện được đưa ra và đều được ngài Đại sứ trả lời một cách thẳng thắn pha lẫn chút hài hước.

Trả lời câu hỏi của một nữ sinh “Ngài Đại sứ đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của trẻ em Việt Nam nói riêng và trẻ em trên thế giới nói chung?”, ông Staffan chia sẻ: “Trẻ em tại mỗi quốc gia đều gặp phải những vấn đề riêng, cần có sự quan tâm của người lớn và toàn xã hội để giải quyết. Do vậy, đối với vấn đề về quyền trẻ em, khi tới làm việc tại bất cứ quốc gia nào, tôi đều dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi để thấu hiểu những khó khăn, hạn chế và mơ ước của trẻ em tại quốc gia đó.

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrström (áo vest xanh sẫm) chăm chú lắng nghe những câu hỏi của học sinh trường THPT Sơn Tây.

Khi làm việc tại Tanzania, tôi cũng đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều trẻ em ở các vùng khác nhau. Trong các cuộc gặp đó, bên cạnh nhiều thông tin ghi nhận được về tình trạng bạo lực gia đình, lao động trẻ em, dinh dưỡng và giáo dục, tôi thấy phần đông trẻ em nữ tại quốc gia này đều rất lo ngại trước vấn nạn tảo hôn. Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi đã phối hợp với một số tổ chức và chính quyền địa phương để đưa ra nhiều phương án giải quyết, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn tại Tanzania”.

Tại Việt Nam, theo nhận định của ngài Đại sứ Staffan Herrström, vấn đề lớn mà trẻ em phải đối mặt và muốn phản ánh là đói nghèo. Vì vậy ông mong đợi từ các bài dự thi những đề xuất xóa đói giảm nghèo cho các gia đình (nhất là nông thôn, vùng sâu, xa); trên cơ sở đó giảm thiểu số trẻ bị bạo hành, bóc lột, xâm hại, hoặc bị xao nhãng.

Viết về quyền của trẻ em, học sinh được giáo dục lòng nhân ái

Trao đổi với phóng viên về tác động của cuộc thi Viết về quyền của trẻ em Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng trường THPT Sơn Tây nói: “Việc tham gia cuộc thi đã giúp học sinh của trường tăng cường nhận thức về quyền lợi của trẻ em, thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn với các bạn đồng lứa thiệt thòi do hoàn cảnh khó khăn”.

VN hiện có hơn 1,6 triệu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nếu tính cả những nhóm trẻ em yếu thế khác như nạn nhân bị buôn bán, bắt cóc; trẻ bị ngược đãi, bạo lực; trẻ bị tai nạn thương tích; trẻ sống trong các gia đình nghèo thì tổng số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là khoảng 4,3 triệu, chiếm 18% tổng số trẻ em cả nước.

Cuộc thi “Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?”
Chủ đề: “Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?”.

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển – Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet – Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Bình luận về bài viết này