Monthly Archives: Tháng Ba 2011

Suy nghĩ về đặc tính dân tộc Việt Nam

Tiêu chuẩn

Bài này thú vị! Tính cách dân tộc VN có tốt có xấu ( ai chả thế), mình đi tìm hiểu chính mình để hoàn thiện bản thân, chớ nên chỉ dừng lại ở ngợi ca dân tộc để rồi ru ngủ mọi người trong sự tự mãn hão huyền.

_CGL_

Bùi Quốc Châu
Tạp chí Xưa và Nay

Nghiên cứu về tâm lý dân tộc là mặt việc thú vị đối với tôi. nhưng trước hết cũng xin nói rõ bài viết dưới đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về bản tinh của dân tốc Việt Nam: mà chỉ là một số nhận xét có tính chủ quan (ở đây tôi chỉ đề cập đến tính cách của người Kinh. Vì các dân tộc khác tôi không có dịp tiếp xúc nhiều nên không biết).

Trình bày cũng là một dịp để học hỏi, cho nên tôi sẵn sàng đón nhận những góp ý chân thành của quí vị để cho tôi có dịp thấy những chỗ sai sót và nông cạn của mình mà kịp thời sửa chữa. bổ sung.

Theo tôi, tính cách của người Việt Nam nói chung có những nét như sau:

1 Tính vừa phải (chiết trung, trung dung), không thái quá, không cực đoan.
2. Tính linh động, mềm dẻo (không quá cứng nhắc).
3. Tính độc lập cao, tinh thần bất khuất.
4. Chuộng thực tế hơn viển vông (không thích chuyện xa vời).
5. Thích sự thoải mái, tự nhiên (đặc biệt ở Nam Bộ).
6. Giàu nghi lực (sức chịu đựng).
7. Can đảm, mưu trí.
8. Hiền hòa, nhân hậu, độ lượng, giàu lòng tha thứ, coi trọng tình nghĩa.
9. Thông minh, hiếu học.
10 Không quá khích, không hiếu thắng…
11. Tính lạc quan vui vẻ (hay cười).
12 Tính bất ốn đinh do thiếu nội lực.
13. Tự ái cá nhân lớn hơn tự ái dân tộc. Tự ái nhiêu hơn tự trọng (hay tự ái vặt)
14. Tính ăn xổi ở thì, không nghĩ đến cái lợi lâu dài, thường nghĩ đến cái lợi trước mắt.
15. Tính nghệ sĩ (nên hay bốc đồng).
16. Kém tưởng tưởng tượng và sáng tạo ít sáng kiến, giỏi bắt chước.
17. Kém tổ chức.
18. Kém óc phân tích.
19. Thiếu đoàn kết.
20. Trọng hư danh, ưa ninh hót.
21. ít tôn trọng kỷ luật, thiếu nghiêm túc trong công việc.
22. Thiếu tinh thần trách nhiệm (hay sợ trách nhiệm).
23. Giàu cảm tính, cảm xúc (nhạy cảm). Sống và làm việc bằng tình cảm hơn là lý trí (hay sợ mất lòng người khác) .
24. Thiếu tính chân thật, ngay thẳng.
25. Tư đức lớn hơn công đức, óc cá nhân lớn hơn óc xã hội.
26. Thiếu tính nhẫn nhục (vì thiếu tiểu nhẫn nên thường làm hư đại sự).
27. Thiếu tự tin, nhút nhát.
28. Vọng ngoại (Bụt nhà không thiêng).
29. Hay có óc cục bộ địa phương.
30. Óc chiến thuật hơn óc chiến lược
31. Tính tùy tiện, cẩu thả.
32. Lãng phí thời giờ và tiền bạc.
33. Tính coi trời bằng Vung (không coi việc gì trên đời là quan trọng cả).
34. Tính hay đố kỵ, ích kỷ, ưa dèm pha, nói xấu kẻ khác.
35. Tính bảo thủ, hay cố chấp, thành kiến.
36. Tính thích nhàn tản. Ham chơi hơn ham làm việc.
37. Tính thích danh hơn thích làm giàu (không quá coi trọng đồng tiền).
38. Tính hay bao biện, ôm đồm không coi trọng chuyên môn.
39. Tính không rõ ràng, thích nói’ chung chung.
40. Tính hay tò mò, tọc mạch, ngồi lê đôi mách.
41. Tính láu cá, khôn vặt, ranh ma.
42. Tính hay thù vặt, hay gây gổ, đánh nhau vì chuyện không đâu.
43. Thích nói (viết) hơn làm. Thích chỉ huy (làm đầu gà hơn làm đuôi voi) nhưng lại kém về quản lý.
44. Hay để ý đến tiểu tiết hơn là đại thể.
45. Thường thấy gần, ít thấy xa.
46. Tính hay ăn uống (thích ăn nhậu). Trong những điểm tâm lý nói trên cá thể có một số nét tìm thấy ở các dân tộc khác như người Hoa, người Phi, người Mã Lai… Nói chung là không hẳn chỉ có ở dân tộc Việt Nam.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất trung bình của những đặc tính đã nêu của dân tộc Việt. Có nghĩa là nếu người Việt có tính thiếu kỷ luật hay thiếu tinh thần trách nhiệm thì cũng chỉ ở mức trung bình chứ không quá tệ vì đặc tính nổi bật của người Việt là tính trung dung, chiết trung (vừa phải).

Thứ hai là những nhận xét của tôi nhằm nói đến những đặc điểm của số đông, của cộng đồng chứ không nói đến những trường hợp đặc biệt của từng cá nhân mà ở dân tộc nào và lãnh vực nào cũng có. Thật ra những nhận xét trên đây còn có thể tìm thấy qua âm nhạc cổ truyền dân tộc, qua nghệ thuật nấu ăn của dân ta và qua kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam vì nó phản ánh một cách khá trung thực tâm lý dân tộc qua hàng ngàn năm nay.

Đã từ lâu tôi vẫn nhận thấy sự khác biệt về thể chất cũng như trong cách tư duy của người phương Đông với người phương Tây. Tôi đã đi đến một giả thuyết nhìn nhận rằng có một năng lực vũ trụ vô cùng lớn hình thành nên vạn vật, trong đó có các hành tinh.

Cổ nhân Đông phương gọi đó là Khí. Khí thì có âm, có Dương và luôn vận động cho nên nó tác động vào các hành tinh cũng dưới dạng âm Dương. Và do đó nó chi phối trái đất theo nguyên lý sau: Nửa phần phía Tây (bên trái) địa cầu thuộc Dương, nửa phần phía Đông (bên phải) địa cầu thuộc âm.

Nửa phần phía Bắc (phần trên) địa cầu thuộc Dương, nửa phần phía Nam (phần dưới) địa cầu thuộc âm. Phía Tây kể từ nước Hy Lạp qua đến nước Mỹ, còn phía Đông kể từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước ở vùng Trung Đông đến vùng viễn đông như Nhật Bản, Nam Dương quần đảo (Indonesia). Còn phía Bắc gồm các nước ở trên đường xích đạo như Âu Châu và Bắc Âu. Các nước ở dưới đường xích đạo như Phi Châu thuộc phía Nam. Qua các phân bố vô hình này của vũ trụ, ta thấy các nước thuộc phía Tây và ở phương Bắc thì rất cương dung, hiếu thắng vì thuộc Dương, còn các nước ở phía Đông và phía Nam thì hiếu hòa hơn và cũng âm tính hơn vì thuộc âm. Từ đó sinh ra một số tính cách rất tự nhiên về mặt tâm Sinh lý của người dân sinh sống đã lâu trên các phần lãnh thổ đó.

Điều lý thú là quy luật âm Dương này cũng phân bố cho từng nước tương tự thanh nam châm luôn có hai đầu khác nhau. Hễ đầu này âm thì đầu kia dương. Nếu ta bẻ gãy thanh nam châm thì thanh nam châm nhỏ cũng sinh ra hai đầu khác nhau như thanh nam châm lớn Tương tự như thế ở từng nước, phía Bắc thường có nhiều dương tính hơn phía Nam, do đó người phương Bắc (tôi muốn nói cư dân bản địa chứ không nói người từ xa đến) thường cương cường, hiếu thắng và thích vật chất hơn là người phương Nam. Điều này ta có thể dễ dàng nhận thấy ở ngay chính dân tộc Việt Nam ta với cá tính của ba diện có nhiều điểm rất phù hhợp với quy luật trên. Ví dụ: người miền Bắc và Bắc Trung bộ đa số đều siêng năng, năng động, cương cường hiếu thắng (ba phần dương, hai phần âm) và thích hình thức, thích phô trương hơn là đa số người miền Nam và Nam Trung bộ (3 phần âm, phần dương). Quý vị độc giả có thể tận thấy những điều tương tự như vậy ở các dân tộc và quốc gia khác như ở nước Pháp, dân bản địa ở Paris tức là phía Bắc có cá tính mạnh mẽ, khéo léo và thích phô trương hơn dân ở Marseille (chất phác, bộc trực, cởi mở hơn như tính cách của dân Nam Bộ Việt Nam).

Tất nhiên, việc hình thành cá tính của từng dân tộc hay mỗi miền còn tủy thuộc nhiều yếu tố khác nữa như yếu tố về địa lý gồm khí hậu, thổ nhưỡng, sản vật, thức ăn, nước uống tại bản địa cũng như thực vật, động vật và sau cùng đến yếu tố lịch sử, xã hội, di truyền (gien). Nhưng những điều vừa nêu trên chỉ là phần Hậu thiên còn phần Tiên thiên là phải nói đến sự phân bố tự nhiên của vũ trụ mà tôi vừa trình bày ở trên.

Các điều tôi vừa trình bày tạm cho là hợp lý, nhưng chắc chắn có người sẽ nói tại sao Úc là xứ ở phương Nam lại thuộc về Đông phương mà dân Úc lại không có tính cách như các dân tộc phương Đông. Xin thưa dân Úc châu ngày nay chủ yếu là dân Anh quốc di cư sang, bên cạnh đó còn có một sớ dân Châu Âu khác, sau này lại thêm các dân tộc châu Á, cho nên không phù hợp với nguyên lý trên vì họ không phải là dân bản địa thuần túy, tức là dân sinh sống ở đó từ hàng nghìn năm về trước. Nhưng nếu họ ở lâu đến hàng trăm, hàng nghìn năm sau thì chắc chắn cá tính sẽ thay đổi, không giống với dân chính gốc (tương tự dân Nam Bộ Việt Nam vốn có gốc từ miền Bắc và Trung, nhưng ai cũng thấy sau ba trăm năm di cư vào Nam, cá tính của dân Nam Bộ hiện nay có nhiều điểm rất khác với dân Bắc Bộ và Trung Bộ).

Nói chung các nước ở vùng nhiệt đối (xứ nóng), ở gần xích đạo thì kém dương khí, có thể nói là âm hơn các nước ở ôn đới (xứ lạnh) luôn có nhiều dương khí hơn. Nước Việt Nam ở gần xích đạo nên so với Trung quốc và Hàn quốc, Nhật Bản thì kém Dương hơn, do đó vóc người và xương cốt nhỏ nhắn hơn cá tính cũng ôn hòa hơn, không quá khích như hai dân tộc trên. Tuy nhiên nói chung căn cứ vào sự phân bố của đồ hình Thái cực trên, Việt Nam thuộc dạng không quá Âm hay quá Dương mà ở trung bình. Do đó tính khi người Việt Nam tương đối quân bình. Từ đó suy ra các đức tính – khác của dân tộc ta.

Để hiểu rõ thêm tính cách của các dân tộc xét theo quan điểm Âm Dương, tôi xin liệt kê các yếu tố Âm Dương dưới đây:

1. Âm: yếu đuối, hiền hòa, chất phác, thụ động, thiên về tư tưởng, những gì vô hình hơn là hữu hình. Che nên chuộng khoa học tâm linh, chuộng triết học.

2. Dương: mạnh mẽ, dữ tợn, năng động, thiên về vật chất, những gì hữu hình hơn là vô hình. Cho nên chuộng khoa học kỹ thuật hơn là khoa học tâm linh.

Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang nối kết lại làm một. Hai khối Đông Tây đều ảnh hưởng lẫn nhau cho nên không còn bản chất nguyên thủy như vừa trình bày. Phương Đông cũng chuộng và áp dụng khoa học kỹ thuật của phương Tây mà trước đó mình chưa có, chưa biết và phương Tây cũng đã học tinh thần triết học của Đông phương như Phật giáo, Thiền (Zen), Khổng giáo, Lão giáo mà trước đó họ không có.

Khi đã nắm vững và thống nhất các điều cơ bản về Âm Dương nói trên chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy dân tộc ta thiên về âm tính nhiều hơn là dương tính. Đó là nguyên lý căn bản trong Đông y mà nhiều người đã biết. Ngoài ra cũng cần nên biết trong Âm bao giờ cũng có Dương và trong Dương bao giờ cũng có Âm. Do đó, nếu nói dân tộc ta thuộc Âm, điều đó cũng có nghĩa là dân ta có phần thiếu Dương ở bên trong (vì trong thái âm luôn có thiếu dương ẩn tàng), tức là bên ngoài thì mềm (âm), bên trong là cứng (dương). Cho nên khi dân tộc ta có tính Âm nhiều hơn Dương, điều đó cũng có nghĩa là đường hướng chúng ta trong tương lai sẽ phải tăng cường phần Dương lên để cho dân tộc ta được quân bình âm dương thì sẽ trở nên vững mạnh và từ đó mới phát triển tốt được.

Cần lưu ý là âm hay dương cũng đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Cho nên trước hết tôi nói về mặt tiêu cực của dân tộc ta. Sau đó tôi sẽ nói về mặt tích cực trên cơ sở giả định là Dân tộc Việt Nam thuộc âm (nói cách khác là mang nhiều tính âm).

1. Ở Việt Nam, đàn ông hầu hết đều đi xe máy của nữ. Chúng ta sử dụng nó một cách tự nhiên vì nó hạp với bản tính chúng ta. Điều này ở các nước phương Tây (vốn dĩ dương nhiều hơn) ít thấy. Vì đàn ông là họ đi xe đàn ông như mô tô, thường là phân khối lớn, ít ai đi xe Honda dame hay xe tay ga như ở xứ ta. Vì đàn ông Tây phương cho đó là xe của nữ, họ không sử dụng vì thấy có vẻ mềm yếu quá, và nếu họ đi thì bị đàn bà cười cho.

2. Dân mình hay ăn, uống. Đó cũng là tính cách của đàn bà. Quá nhiều quán xá, nhà hàng lừ nhỏ đến lớn, kể cả các quán cóc vỉa hè và lúc nào ở đâu cũng thấy có người ăn uống. Ai cũng biết đàn bà hay ăn vặt hơn so với đàn ông. Cho nên đây cũng là biểu tính của nữ.

3. Dân mình làm gì cũng bé tí, ít thích những gì khổng lồ, to đùng khác với dân Mỹ vì tính rất dương cho nên thường thích những cái to đùng, khổng lồ, vĩ đại cao ngất; Từ đó thích buôn bán nhỏ, suy nghĩ nhỏ, ước muốn nhỏ, cất nhà nhỏ, làm tượng đài nhỏ, kế hoạch nhỏ.

4. Dân mình hay để ý và câu nệ, chấp nhất những cái vụn vặt, tủn mủn, tiểu tiết cho nên nhiều khi quên mất cái lớn (tiểu tiết làm hỏng đại sự). Cho nên thường thì chuyện lớn dễ bỏ qua nhưng chuyện nhỏ thì quyết không tha.

Đây cũng là thuộc tính của nữ, vốn dĩ rất vị tha nhưng cũng rất hay sa vào tiểu tiết để trở nên khó chịu, nhỏ mọn, chấp nhất.

5. Dân mình hay đố kỵ, xuất phát từ lòng ganh ty do đó hay bới móc chuyện thiên hạ… dèm pha, nói xấu kẻ khác. Đây cũng là thuộc tính của nữ hay ngồi lê đôi mách hơn đàn ông.

6. Dân mình ít nghĩ xa. Tầm chiến lược thường ngắn hạn. Không thích bàn chuyển viển vông, xa vời mà thích chuyện thực tế ngắn hạn. Đây cũng là tính của nữ. Có thể ví von: đàn ông là đèn pha đàn bà là đèn code. Vì tính âm nhiều hơn nên sinh ra thế, nhìn gần thì rất rõ, nhìn xa thì mờ, không thích những kế hoạch dài hạn mà hay thích những kế hoạch ngắn hạn, từ đó để đi đến chỗ ăn xổi, ở thì…

7. Dân tộc ta có tính hay thay đổi. Trên báo chí thỉnh thoảng vẫn đăng tải các ý kiến của các thương gia ngoại quốc là kế hoạch làm ăn của ta thường thay đổi xoành xoạch khiến cho họ không biết đường mà làm ăn với ta. Đây cũng là thuộc tính của nữ. Vì nữ bản tính mềm yếu, hay thay đổi, dễ nghe lời kẻ khác nên có câu cưới vợ thì cưới liền tay, đừng để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.

8. Dân Việt Nam thường ít có thái độ rõ ràng, dứt khoát, cụ thể (hay nói nước đôi). Trong làm ăn cũng như xử thế thường là như vậy khiến cho các đối tác rất khó làm việc. Đây cũng là một đặc tính của phụ nữ, thường ít khi trả lời rõ ràng về mọi vấn đề (muốn hiểu sao cũng được), nhất là trong vấn đề tình cảm.

9. Ít tự tin, kém sáng tạo, mà lại hay vọng ngoại, giỏi bắt chước hơn. Điển hình là gần đây thanh niên, thiếu nữ ta đua nhau bắt chước mốt ăn mặc, sinh hoạt kiểu Hàn Quốc. Cho nên thường học giỏi nhưng lại ít có phát minh.

10 Đa số dân mình suy nghĩ, làm việc cư xử theo tình cảm ít theo lý trí. Đây cũng là một đặc tính của nữ. Trên đây là xét về mặt tiêu cực của tính âm. Còn về mặt tích cực thì dân ta cũng có lắm điều hay như:
– Tính chịu đựng nhẫn nại cao (vốn là thuộc tính của nữ).
– Tính bao dung, hay tha thứ.
– Tính khéo léo, linh động trong giao tiếp, xử lý.

Ta còn có thể nêu ra thêm một số mặt tích cực của tính âm nhưng thiết tưởng bây nhiêu đó cũng đã cho ta thấy rõ dân ta bản chất vốn thiên về âm nhiều hơn là dương (chứ không phải không có Dương tính vì trong âm bao giờ cũng có Dương – âm trung hữu Dương căn).

Những luận cứ và nhận định trên đây của tôi nhằm giúp cho chúng ta hiểu rõ mình là ai, như thế nào để dễ dàng phát huy ưu điểm, khắc phục hay hạn chế khuyết điểm. Như thế không có gì đáng ngại mà trái lại còn giúp cho dân tộc ta phát triển mạnh hơn.

Vì ta sẽ phát triển trên cơ sở chọn những gì hợp bản chất, cơ địa của mình làm. Như trong việc đào tạo các võ sinh của các vị thầy hồi xưa là căn cứ vào thể hình và tính khí của học trò mà dạy cho họ môn võ phù hợp. Ví dụ: đối với người nhỏ con, lanh lẹ thì dạy hầu quyền, đối với người cao gầy thì dạy hạc quyền, với người mạnh mẽ, vạm vỡ thì dạy hổ quyền, hồng gia quyền. Hoặc người nhỏ con yếu sức thì học Aikido hay Judo tốt hơn là học Karate hay Taewando. Cho nên sau khi đã xác định bản tính hay khuynh hướng của dân tộc ta là âm thì ta sẽ có các chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển đất nước theo hướng phù hợp với bản tính dân tộc và địa hình đất nước ta. Vì sẽ rất sai lầm và đi vào chỗ bất thuận lợi khi ta định hướng phát triển như nước khác vốn có tính Dương nhiều hơn ta và địa hình của quốc gia họ cũng khác ta. Cụ thể hơn, ta có thể định hướng học tập, nghiên cứu xây dựng phát triển về ngành y học (y học dân tộc và y học hiện đại), nhất là về ngành vi phẫu thuật, tai, mắt, mũi, họng, tim), dưỡng sinh, vi tính, du lịch, dịch vụ, văn chương, thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, tiểu thủ công nghiệp, nghề gốm sứ, may mặc, thêu thùa, giải phẫu thẩm mỹ (thay vì xây dựng, phát triển về cơ khí nặng, vũ khí quân sự). Các loại thể thao nhẹ như bóng bàn, vũ cầu, cờ vua, thay vì tập trung cho bóng đá, quần vợt, bóng chày… Vì những cái này thuộc Dương đòi hỏi nhiều thể lực thích hợp với dân tộc Dương tạng như Đại Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, hay các dân tộc Âu Mỹ hơn là dân tộc ta.

Có lẽ chúng ta không nên buồn vì biết dân tộc ta thuộc âm nếu các bạn đồng ý với quan điểm của tôi vì âm không phải là xấu mà Dương cũng không phải là hay, nếu xét phạm trù Âm Dương cả hai đều có giá trị ngang nhau, và đều có mặt mạnh lẫn mặt yếu. Vấn đề ở đây là cần biết rõ ta là ai? Như thế nào? Để xây dựng đất nước cho tốt đẹp và nhanh hơn nếu chúng ta không nhận định nhầm về mình. Cho nên khi nắm rõ điều này, ta sẽ đinh hướng đúng trong việc xây dựng đất nước. Và như thế sẽ làm cho đất nước ta tiến bộ rất nhanh. Vì ai cũng biết cái gì hợp thì sẽ mau kết quả và lâu bền và trái lại. Trong việc làm ăn buôn bán, chứa bệnh, ăn uống cũng như quan hệ vợ chồng, ai cũng thấy rõ điều này.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay

Đạo đức trong thế giới ngày nay

Tiêu chuẩn

CGL thích đoạn đầu bài này, đoạn sau thiên về Phật giáo, CGL tuy không thật thích( vì hơi lạ lẫm về quan niệm) nhưng thấy đúng nên post lên đây để dành ( có thời gian sẽ suy ngẫm thêm ).

_CGL_

Nguyễn Thế Đăng
Văn hóa Phật giáo

1. Đạo đức là sức mạnh tạo nên sự ổn định và phát triển của một quốc gia

Chúng ta ít khi thấy được rằng đạo đức là một phần lớn của “số vốn xã hội” để cho một xã hội lành mạnh, bền vững và phát triển. Lịch sử đã cho thấy những đế chế, những triều đại quân chủ và những chính phủ ngày nay bị sụp đổ đều vì mất đi “số vốn xã hội” là đạo đức.

Chỉ lấy hai thí dụ ở lịch sử Việt Nam. Nhà Trần làm vua được 175 năm , nhưng vào cuối đời Trần, vua Dụ Tông và Nghệ Tông kém đạo đức, xã hội suy vi, nhà Trần mất. Đời Lê cũng thế, chưa được 100 năm thì suy tàn bởi những vua kém đạo đức như Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông.

Hai đời Lý Trần thịnh vượng và huy hoàng như thế có phải vì cảm hứng đạo đức của vua và dân thời ấy lên cao nhất trong suốt lịch sử Việt Nam?

Đạo đức là điều không thể thiếu đối với một cường quốc hiện đại. Một cường quốc, ngoài kinh tế và chính trị vững mạnh, còn phải có một nền đạo đức vững chắc, dù đó là đạo đức theo đường lối nào. Đạo đức là một phần của văn hoá, để có thể nói rằng: đạo đức là sống có văn hoá. Một con người không có đạo đức là một con người yếu đuối, phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Một quốc gia không có đạo đức là một quốc gia yếu đuối, phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Ngày nay trên mặt công khai, mọi chính phủ, dầu tốt dầu xấu, đều phải nói đến một nền kinh tế có đạo lý, nghĩa là vì con người.

Chúng ta có thể nhìn vào hai cường quốc kinh tế số một và số hai, một của Tây phương một của Đông phương, là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Những nhà tư bản đầu tiên xây dựng nên nước Mỹ ngày nay đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo Tây phương, như Rockefeller (vua dầu hoả), Ford (vua xe hơi), Carnegie (vua luyện thép)…Họ tiết kiệm, sống có phần khắc khổ và để tiền làm việc từ thiện phát triển xã hội. Thậm chí cuối đời, một số người đã hiến phần lớn tài sản để thành lập các đại học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu khoa học…Quỹ Rockefeller và Ford đã cùng với Chính phủ Philippines lập ra Viện Nghiên Cứu Lúa giống Quốc Tế IRRI vào năm 1960 khiến châu Á có thể thành tựu cuộc “cách mạnh xanh”, giải quyết nạn đói cho cả thế giới. Ngày nay, các tỷ phú Mỹ giàu nhất thế giới như Bill Gates và Warren Buffet đều hiến cả gia tài để làm từ thiện cho cả thế giới. Họ đều là những người có đạo đức.

Ở bên này, nước Nhật cũng thế. Sau Đại chiến thế giới thứ hai, Nhật đã vươn lên mạnh mẽ nhờ những ông chủ Mitsibishi, Toyota, Honda, Sony..Họ cũng có nền đạo đức Phật giáo Đại thừa kết hợp với bản lĩnh “võ sĩ đạo” của họ. Các con rồng, con hổ châu Á phát triển rất nhanh cũng nhờ vào truyền thống đạo đức từ mấy ngàn năm của mình. Chỉ có một nước rất nhỏ như Singapore, với chiến lược Đông thể Tây dụng của châu Á vốn có từ trước cả trăm năm, đã làm cho thế giới phải nghiên cứu tham khảo (có thể xem thêm: Đối thoại với Lý Quang Diệu, cách thức xây dựng một quốc gia, Tom Plate, 2010, Nguyễn Hằng dịch, NXB Trẻ, 2010).

Chắc chắn sự tranh đua lành mạnh về xã hội và kinh tế giữa Châu Á và châu Mỹ, châu Âu trong thế kỷ 21 này (Thế kỷ châu Á- Thái Bình Dương) tuỳ thuộc phần lớn vào văn hoá và đạo đức khi các khu vực đã gần cân bằng về mặt kỹ thuât. Văn hoá và đạo đức sẽ tạo ra sự khác biệt. Nếu phát triển được văn hoá và đạo đức của mình, châu Á sẽ định hình phong cách sống của thế kỷ 21.

2. Phật giáo trước sự suy thoái đạo đức xã hội

Ai cũng thấy rằng đạo đức trong xã hội chúng ta đang suy thoái. Trong sự suy thoái này, phần trách nhiệm của Phật giáo với tư cách là cái tạo nên bản sắc dân tộc không phải là ít.

Từ đầu thế kỷ 20, trước sự đổi mới theo Tây học cùng với nhu cầu giải phóng dân tộc, Tam giáo đồng nguyên, nhưng thật ra, Phật giáo bao trùm cả hai giáo kia, tất cả những điểm đặc sắc của Khổng giáo và Lão giáo đều có trong Phật giáo. Nhưng khi chế độ quân chủ suy tàn, Khổng giáo bị công kích, bị dẹp bỏ, thì Phật giáo cũng vì thế mà bị vạ lây. Tiếp theo đó là chiến tranh; trên khắp đất nước, truyền thống Tam giáo đồng nguyên càng bị suy yếu hơn.

Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta đã quá chậm chạp trong việc định vị bản sắc dân tộc, trong việc định hướng dân tộc đi cùng thời đại và tiến theo toàn cầu hoá. Xã hội phát triển nhanh về mặt kinh tế so với thời chiến tranh, trong khi đó văn hoá- trong đó có đạo đức là cách ứng xử đúng, tốt và đẹp với người khác, với thiên nhiên và với hínhm ình- sau một thế kỷ lận đạn, chưa kịp định hình thành nền tảng trong xã hội. Thế nên, xã hội suy thoái về đạo đức, dễ đưa đến tình trạng phát triển không bền vững, chông chênh, làm mười điều tốt thì phá hư bằng bảy, tám điều xấu.

Vậy thì đâu là sức mạnh của đạo đức Phật giáo để đóng góp vào sự phát triển ổn định, không hao hụt lãng phí của xã hội?

Trong những tôn giáo độc thân của Tây phương, đạo đức là tuân thủ, làm theo những điều luật do một vị Thần hay Thượng đế (God, Dieu) đặt ra. Sự thưởng phạt cũng do vị Thần hay Thượng đế ấy trực tiếp đảm nhận. Trong Phật giáo, định luật nhân quả của thế giới vật chất và thế giới tâm thức quyết định kết quả của hành động con người. Làm nhân tốt thì được quả tốt, tạo nhân xấu thì lãnh quả xấu. Đức Phật là người đã thoát ra khỏi guồng máy nhân quả này, và Ngài chỉ rõ cho con người thấy mà tránh nhân xấu, tạo nhân tốt, chứ Ngài không chế tạo ra định luật nhân quả. Chỉ với định luật nhân quả này, con người đã hoàn toàn bình đẳng và có được công bằng ở trong thế giới hiện tượng của sanh tử luân hồi.

Có một điểm khác biệt nữa, Đạo đức là đạt đến sự toàn thiện toàn hảo. Trong khi đạo đức của những tôn giáo độc thần nhắm đến và đeo đuổi một cái siêu toàn thiện toàn hảo ở ngoài con người và ngoài thế giới mà họ gọi là Thần hay Thượng đế, và do đó bị các nhà triết học Tây phương như Nietzsche, Marx, Freud…và các nhà hậu hiện đại tấn công và giải kiến tạo (déconstruire) một cách khó bào chữa, thì đạo đức Phật giáo nhắm đến và theo đuổi một cái siêu việt toàn thiện toàn hảo nội tại ở nơi con người và thế giới (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh) cho nên rất bình đẳng, thực tế và không viển vông.

Đạo đức Phật giáo nhằm đưa con người đến chỗ đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Khi sự đúng, tốt, đẹp đến chỗ tột điểm thì trở thành một con người toàn thiện và toàn diện, mà chúng ta gọi là Phật. Chỗ tột điểm đúng, tốt, đẹp ấy ở trong mỗi chúng ta, chẳng đợi ai ban cho chúng ta. Vì thế, đạo đức Phật giáo là sự tự khai phá, tự nhận thức, tự khai triển chứ không phải xin xỏ ở bên ngoài. Vì đạo đức Phật giáo bao la và cao tột như vậy, nên nó không chỉ bao hàm những giới luật (Giới), mà còn cả Định, Huệ. Đạo đức Phật giáo là toàn bộ con đường Phật giáo, mà theo các kinh,là “ con đường tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, và tốt đẹp ở chặng cuối cùng”. Điều kì diệu nhất là con đường ấy ở trong chúng ta, con đường ấy chính là thân tâm của chúng ta. Đó là con đường của tự do, hoan hỷ và an vui.

Hãy lấy một thí dụ về Định. Ngồi thiền là một hành vi đạo đức, bởi vì nó chuyển hoá bớt năng lượng tình dục bản năng mù quáng ở cấp thấp thành năng lượng bình an và sáng suốt ở cấp cao. Cho nên muốn thi hành giới thứ ba (không tà dâm) có hiệu quả, cần phải thực hành thiền định, và cả trí huệ nữa. Cũng như nói chớ nên tham lam, sân giận thì có giữ được cũng chỉ là đè nén. Phải có cả sự chuyển hoá năng lượng tham sân (định) và sự sáng suốt của tâm trí (huệ) thì mới có hiệu quả.

Đạo đức Phật giáo không chỉ là nhứng ý niệm, nó là sự thực hành, thậm chí ở những chiều sâu thẳm nhất của tâm thức con người (thiền định, thiền quán…), do đó, nó là sự chuyển hoá toàn bộ con người theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Nhưng đạo đức Phật giáo không phải là sự hoàn thiện mình một cách đơn độc. Sự tự hoàn thiện được thiện hiện trong, bằng, và qua xã hội. Xã hội vừa là môi trường, vừa là nơi thể nghiệm thử thách và là thước đo của sự tiến bộ. Thế nên trong khi tự hoàn thiện, cá nhân làm cho xã hội cũng cùng tự hoàn thiện, tự chuyển hoá.

Nhìn rộng ra trên thế giới hiện nay, không có vấn đề nào không nằm trong đạo đức Phật giáo: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền; hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn giữa người với người và giữa quốc gia với quốc gia; khí hậu trái đất; tàn sát khủng bố; giá trị của tình yêu và tình dục… Cũng cần nhắc lại rằng sự chữa trị của đạo đức Phật giáo là tận căn để, không hời hợt bên ngoài, không chỉ “xức thuốc ngoài da” như những biện pháp thông thường của xã hội.

Đạo đức Phật giáo là sự chuyển hoá toàn bộ và triệt để con người theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Thế nên nó bao gồm toàn bộ những hoạt động con người: Văn (nghe, tìm hiểu, không chỉ nghe rồi nói ngoài miệng), ( tư duy xem có đúng hay không, cái gì cần làm, cái gì không nên làm) và Tu( thực hành bằng toàn bộ thân tâm của mình).

Một điều cốt lõi của Phật giáo so với những con đường tự hoàn thiện khác là: đạo đức Phật giáo không phải là phương thiện khó nhọc hôm nay để đạt đến cứu cánh hạnh phúc mai kia, mà cứu cánh vốn ở ngay nơi phương tiện. Nghĩa là đạo đức Phật giáo là sự hưởng thụ ngay bây giờ và ở nơi đây. Nghe hiểu lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy, tư duy lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy, và thực hành lúc nào thì hưởng thụ lúc ấy.

Đạo đức Phật giáo là sống trực tiếp một đời sống tự do, hoan hỷ và an vui, không chỉ cho cá nhân mà cả xã hội

Nguồn: Văn hóa Phật giáo

Học giả Trung Quốc cũng chưa dám nhận Kinh Dịch của mình

Tiêu chuẩn

Học giả TQ? Không nghe nêu tên họ rõ ràng nhưng CGL tin đây là những học giả có thật ( nếu không thì dịch giả Nguyễn Trung Thuần sẽ chịu trách nhiệm với độc giả), và CGL khâm phục mấy học giả này đã dám nói thật ( nói thật đồng nghĩa với trả tổ về cho Bách Việt), không vơ bừa Kinh Dịch là tài sản nước họ.

_CGL_

Sau khi đọc bài “Kinh dịch là của người Việt” đăng trên Bee.net.vn, dịch giả Nguyễn Trung Thuần, nguyên là nghiên cứu viên ở Hội đồng biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (nay là  Viện Từ điển học và Bách khoa thư thuộc Viện KHXH) đã gửi cho tòa soạn bản dịch mới nhất của bà liên quan đến  vấn đề này. Đây là một bài  đã được in trên “Thế giới những điều chưa biết” (phần lịch sử, khảo cổ), Nhà xuất bản Giang Tô, Trung Quốc, năm 2008. Đọc bài này  ta sẽ thấy chính các học giả Trung Quốc hiện giờ cũng chưa dám khẳng định “Kinh dịch” là của đất nước họ. Xin giới  thiệu để bạn đọc tham khảo.

Trong cổ thư Trung Quốc có nói “Bào Hy họa quái, Thần Nông tác giá, Hoàng Đế dư phục”. Có nghĩa là: Họ Phục Hy (tức Bào Hy) đã sáng tạo ra Bát quái, họ Thần Nông dạy mọi người trồng trọt, Hoàng Đế phát minh ra dư phục (tức thuyền xe và quần áo – ND). Còn có thuyết nói họ Phục Hy dạy cho mọi người cách nấu nướng thức ăn. Trồng trọt, thuyền xe, quần áo…, tất cả những cái đó đều liên quan đến cuộc sống thường ngày của con người, cho nên xưa nay người ta luôn tỏ ra hết sức sùng kính những người như họ Phục Hy… trong truyền thuyết. Vậy thì, Bát quái là cái gì, nó có công dụng gì, vì sao cổ nhân lại xếp nó vào hàng đầu của các loại phát minh sáng tạo?

đ
Bát quái

Bát quái vốn có 8 loại đồ hình, được cấu thành từ 2 phù hiệu cơ bản âm dương  gọi là hào dương và hào âm. Hai phù hiệu này dùng các hình thức khác nhau chồng liền 3 tầng, để cấu thành 8 loại đồ hình ☰ (Càn), ☷ (Khôn), ☳ (Chấn), ☴ (Tốn), ☵ (Khảm), ☲ (Li), ☶ (Cấn), ☱ (Đoài), gọi là Bát quái.

Chúng đại diện cho 8 loại hiện tượng của tự nhiên là trời, đất, sấm, gió, nước, lửa, núi, đầm. Bát quái lại chồng tiếp lên thành từng cặp một, có thể tạo thành 64 quẻ. Quái tượng của 64 quẻ có các thuyết từ khác nhau, gọi là lời quẻ. Lời quẻ cộng thêm những lời văn có liên quan khác chính là nội dung cơ bản nhất của “Chu dịch” (hoặc gọi là “Kinh dịch”) trong “Tứ thư ngũ kinh”.

Bát quái được cấu thành từ các hào dương và hào âm cơ bản nhất, có thể đại diện cho trời và đất. Nếu suy diễn thêm nữa, thì lại có thể đại diện cho trong ngoài, nam nữ, cha mẹ, vua và hoàng hậu, cương nhu, lưng bụng, phủ tạng, cơ quan sinh dục của nam và nữ, cùng rất nhiều sự vật đối ứng với nhau khác không chỉ có liên quan đến các hiện tượng tự nhiên, mà còn liên quan đến cả các hiện tượng xã hội nữa. Kiến thức trong đó xem qua có vẻ đơn giản, nhưng kì thực lại hết sức sâu sắc. Trước một bộ “Kinh dịch” lấy lời quẻ làm nội dung cơ bản, có những người giải thích từ phương diện này, có những người phân tích thêm từ phương diện kia, có những người lại phát triển thêm từ một phương diện khác, để viết nên nhiều tác phẩm các dạng, viết thành mười mấy vạn lời, mấy chục vạn lời, thậm chí tới hàng triệu lời muôn màu nghìn sắc, thậm chí còn quái dị, khiến cho độc giả không hiểu nổi, có những chỗ còn đọc không ra, chẳng khác nào một cuốn sách trời.

Qua đây, người ta liền nảy sinh nghi vấn rằng chẳng lẽ một thứ phức tạp như vậy mà lại do một nhân vật trong truyền thuyết là Phục Hy sáng tạo ra?

Có người cho rằng, hình thức ban đầu là 8 loại đồ hình của Bát quái, rất có thể là các đồ hình văn tự thời thượng cổ, nó được diễn biến từ cách ghi chép kết thừng của người xưa. Vì thế Bát quái còn được gọi là Bát sách, “sách” nghĩa là “thừng sách” (dây thừng), tạo thành văn tự thì có thể ghi lại những sự vật đã gặp phải. Như ☰ (Càn) biểu thị trời, trời là che phủ khắp bên trên liền một dải, cho nên là 3 hào dương hoàn chỉnh; ☷ (Khôn) biểu thị đất, đất bị các con sông chia cắt thành từng mảnh, cho nên là 3 hào âm đứt đoạn; ☵ (Khảm) biểu thị nước, tượng trưng cho sông chảy dưới lòng đất từ những khoảng đứt đoạn, chữ “thủy (水)” trong văn tự tượng hình cổ đại đã được diễn tiến từ đó.

Văn tự đồ họa là hình thức ở thời kì xa xưa nhất của văn tự Trung Quốc.. vì thế mà sáng tạo ra Bát quái chính là đã sáng tạo ra văn tự sớm nhất của Trung Quốc, mới đầu nó chỉ có 8 loại đồ hình, nhưng lại rất quan trọng, cho nên đã được xếp vào hàng đầu của các loại sáng chế phát minh thời thượng cổ.

Có những người không đồng ý với giải thuyết trên, họ cho rằng Bát quái có khả năng là do người triều Thương dùng giáp cốt để chiêm bốc, đã suy diễn từ các đường vân nứt do bị cháy trên mai rùa mà thành, đó là sáng tạo vào đời nhà Thương, chứ không phải là do Phục Hy sáng tạo ra vào thời thượng cổ theo truyền thuyết.

d
Trong lòng bàn tay có bát quái thập nhị cung, còn gọi là chưởng bát quái

Còn “Kinh dịch” thì rất có thể là tác phẩm của thời nhà Chu, rất khó hiểu, cho nên Khổng Tử thời Xuân Thu đọc “Dịch”, vi biên tam tuyệt, tức ban đầu đến cả Khổng Tử đọc cũng không hiểu, đọc đi đọc lại, khiến cho dây da trâu buộc thẻ tre bị đứt tới 3 lần. Cuối cùng khi đã đọc hiểu rồi, Khổng Tử đã chỉnh sửa thêm, và như thế, “Kinh dịch” liền trở thành kinh điển của Nho gia. Vì thế mà nói Khổng Tử đã có công sáng tạo lại “Kinh dịch”.

Cũng có những người cho rằng, Bát quái và “Kinh dịch” đại diện cho quá trình diễn tiến nhận thức của người Trung Quốc cổ đại đối với các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội.. Đầu tiên có các hào dương và hào âm với phù hiệu đơn giản nhất, có thể nhờ vào đó để thuyết minh cho cái căn bản của mọi vấn đề trong trời đất. Sau đó phát triển thành 8 quẻ (Bát quái) có thể đại diện được cho 8 loại hiện tượng của thế giới tự nhiên. Rồi lại phát triển tiếp tám tám sáu mươi tư quẻ, có thể thuyết minh cho nhiều hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội hơn. Cuối cùng mới có “Kinh dịch” với các lời quẻ là chính, cấu thành một tác phẩm triết học có thể đại diện cho vũ trụ quan, nhân sinh quan… của người Trung Quốc cổ đại. Mỗi một giai đoạn phát triển đều không thể chỉ là sự sáng tạo phát minh của một người nào đó, mà là một quá trình diễn tiến có sự kế thừa và phát triển trước sau, liên tục không ngừng. Nói họ Phục Hy sáng tạo ra Bát quái kì thực là đã quá đơn giản hóa vấn đề này rồi.

Giải thuyết cuối cùng trong số 3 giải thuyết trên tuy khá hợp lí, nhưng nó đã phủ định giải thuyết “Bào Hy họa quái” đã được lưu truyền từ mấy ngàn năm nay ở Trung Quốc, nên lại rất khó lòng được mọi người tiếp nhận.

Rút cục Bát quái là do ai sáng tạo? Khi còn chưa tìm ra được lời giải đáp tốt hơn, thì vẫn đành phải dựa theo lời trong sách xưa mà qui công về cho họ Phục Hy theo truyền thuyết thôi.

Nguyễn Trung Thuần Dịch

Nguồn: http://www.bee.net.vn/channel/1984/201103/Hoc-gia-Trung-Quoc-cung-chua-dam-nhan-Kinh-dich-cua-minh-1793679/

Kinh Dịch là của người Việt?

Tiêu chuẩn

“Phục Hy là tổ của một tộc trong đại chủng Bách Việt phía Nam Trung Quốc, người Hoa mượn làm tổ của mình”

Đến “tổ” mà cũng mượn…Ai dà dà….. Vậy thì còn “mượn” đến cái thứ chi chi? Mà CGL cũng không đồng ý với cái từ ” mượn tổ” mà tác giả dùng ở đây, vì theo CGL : hễ cái gì có mượn thì có trả, nhưng có bao giờ TQ trả tổ cho VN? TQ vốn có tài “mượn mà không trả” từ hồi tổ của TQ còn ăn lông ở lá tới giờ : mượn Phục Hy của Bách Việt làm tổ, mượn Kinh Dịch của Bách Việt làm tài sản, gặp đâu mượn đó, mượn đất, mượn biển….

Mượn không muốn trả thì không thể gọi là mượn. Gọi là gì chắc ai cũng hiểu. CGL chắc chắn hiểu và tác giả bài này cũng quá hiểu luôn,  chỉ là nói tránh 1 chút cho đỡ mếch lòng kẻ “mượn” mà không  “mượn” thôi.

_CGL_

Người Trung Hoa đã có 2000 năm để nói Kinh Dịch là của họ, có hơn vài ngàn tác giả với hơn mấy ngàn đầu sách luôn luôn khẳng định điều này khiến nó đã thành một sự thật hiển nhiên khó ai cãi lại được. Nhưng ngày nay đã có những chứng cứ cho chúng ta thấy rằng nguồn gốc của Kinh Dịch không thể tìm thấy ở Trung Hoa, mà Việt Nam mới chính là nơi khai sinh Kinh Dịch.

Mặc dầu những người bày tỏ quan điểm này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, quả là “mãnh hổ nan địch quần hồ”, nhưng chân lý không phải là dựa vào số đông.

f
Một người làm khoa học chân chính chỉ nên đưa ý kiến phản biện sau khi đã đọc kỹ quan điểm đối lập, cân nhắc chính xác những bằng chứng họ đề ra xem chỗ nào mình đồng ý, chỗ nào không đồng ý, rồi chính mình phải trưng cho được những chứng cứ ngược lại để làm sáng tỏ vấn đề, không nên nói chung chung, nói theo cảm tính. Cho rằng Kinh Dịch là của Trung Quốc hay của Việt Nam là quyền của mỗi người, nhưng muốn bảo vệ niềm tin này phải dựa vào chứng lý. 

Người Trung Hoa nói về nguồn gốc Kinh Dịch dựa trên những chứng lý nào?

1/ Trước hết họ cho Phục Hy nhìn những hình đồ trên con long mã vẽ nên bát quái. Đây là chuyện hoang đường chỉ hợp với những người mê tín, ưa sự huyền hoặc, thế mà cũng được vô số người tin như thật. Nhưng Phục Hy dù là nhân vật huyền thoại vẫn không phải là thủy tổ chính thống của người Hoa hạ.

Phục Hy là tổ của một tộc trong đại chủng Bách Việt phía Nam Trung Quốc, người Hoa mượn làm tổ của mình. Tư Mã Thiên không đồng ý nên đặt Hoàng Đế ở đầu Sử ký. Vậy nếu Phục Hy có làm ra Bát quái cũng không thể nói là của Trung nguyên. Thừa nhận Phục Hy chế ra Kinh Dịch là người Hoa đã nhận Kinh Dịch là của dân Bách Việt, vậy sao cứ nói mãi Kinh Dịch của Trung Hoa và gọi đó là niềm tin chính thống. Hoàng Tông Viêm (16161 0 1686) người ở cuối đời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh đã cực lực phủ nhận vai trò của Phục Hy trong Kinh Dịch, sao người Việt Nam vẫn cứ tin!

2/ Sau Phục Hy, người Hoa tin là Văn Vương khi bị Trụ Vương cầm tù ở Dữu Lý đã nâng cấp 8 quẻ thành 64 quẻ và viết quái từ hào từ Kinh Dịch. Người đưa ra thuyết này Tư Mã Thiên, sử gia hàng đầu và uy tín của Trung Quốc. Chính vì Tư Mã Thiên có uy tín nên người ta đã theo đó mà tin không cần kiểm chứng. 

Từ Văn Vương đến Tư Mã Thiên cách nhau hơn nghìn năm trung gian có Khổng Tử cách mổi ông chừng 500 năm. Khổng Tử rất tôn sùng Văn Vương, thế mà chưa bao giờ nói với Văn Vương soạn Kinh Dịch. Ở đầu quyền Sử ký, lương tri Tư Mã Thiên còn ray rứt nên chỉ đưa ra giải thuyết “có lẽ Văn Vương diễn Dịch”, nhưng gần cuối sách thì lại xác định hẳn là Văn Vương diễn Dịch, và nhiều người hùa theo đó mà tin.

Kinh Thi là sách đại tụng Văn Vương, kể rất nhiều công tích của văn Vương nhưng không hề đả động đến Kinh Dịch. Các con Văn Vương như Võ Vương, Chu Công dùng bói toán để cúng lễ Văn Vương nhưng chưa bao giờ nói Văn Vương bói Dịch chứ đừng nói đền chuyện Văn Vương soạn dịch.

Chính nhóm Ngô Bá Côn đã xác định điều này: “Từ thời cận đại đến nay, cách nhìn nhận này đã bị các học giả phủ nhận” (Dịch học, Nxb Văn hóa – Thông Tin, Hà Nội, 2003, tr.90). Sách Tả truyện dẫn nhiều câu chuyện bói Dịch nhưng không hề nói Văn Vương soạn Dịch. Các nhà Dịch học Trung Quốc đầu thế kỷ XX đã có người muốn dứt bỏ Văn Vương khỏi vương quốc Kinh Dịch, nhưng có một số người nhiễu sự ưa chuyện huyễn hoặc cứ cố níu kéo Văn Vương, nhất là một số Dịch học người Việt.

3/ Sau khi loại bỏ Phục Hy và Văn Vương, một số nhà Dịch học Trung Quốc lại cho rằng Kinh Dịch có nguồn gốc từ các nhà Vu Hịch là các quan coi việc bói toán (Có Hiệt Cương, Lý Kính Trì), Kinh Dịch có các từ phán đoán giống các từ bói toán: cát, hung, hối lận, cữu, vô cữu, nhiều lời hào trùng hợp với lời bói, nhưng quan điểm này không mấy thuyết phục vì hai cơ cấu Dịch và bói khác nhau, bốc từ là những câu hỏi sẵn đưa ra để hỏi về một vấn đề mà người hỏi thắc mắc, câu trả lời là nhận hoặc phủ nhận, có hay không, còn hào từ phải tùy thuộc vị trí của hào, bản chất của hào, thời của quẻ.

4/ Phát hiện mới nhất là quan điểm của Trương Chính Lương khi cho rằng nguồn gốc của quẻ Dịch đến từ quẻ số khắc trên Giáp Cốt Văn và Kim Văn. Nhóm Chu Bá Côn cũng đã có ý kiến về vấn đề này “Song dùng các chữ số trong phép bói cỏ như 1,5,6,7,8 … không đủ chứng cứ để chứng minh tại sao trong Kinh Dịch lại chỉ có 8 kinh quái và 64 biiệt quái” (Dịch học, tr.63).

Sau cùng nhóm Chu Bá Côn kết luận: “Tóm lại, đối với việc tìm hiểu nguồn gốc của quái, hào, tượng tuy đã có một số ý kiến có ảnh hưởng nhất định trong mấy năm gần đây, nhưng những điều được đề cập tới đầu không ngoài loại tượng và số, vẫn chưa thể nói là đã có một đáp án được gọi là công nhận. Có lẽ trong tương lai gần, theo đà phát hiện tư liệu ngày càng nhiều, chúng ta sẽ có được một đáp án xác đáng.” (Dịch học, tr.63). Còn Vương Ngọc Đức thì bi quan hơn: “Cuộc tranh luận kéo dài hai ngàn năm vẫn không có câu giải đáp chính xác. Nếu vẫn theo phương thức tư duy của các học giả thời xưa, thì hai ngàn năm nữa vẫn chưa làm rõ được vấn đề”. (Bí ẩn của Bát Quái – Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 1996, tr.27).

Như vậy, đối với vấn nạn nguồn gốc Kinh Dịch, các học giả Trung Quốc đành chịu “bó tay” không truy vấn được. Vậy thì người Việt Nam hà cớ gì cứ đi theo họ để xác nhận một điều họ đã phủ nhận, cứ trân trọng mãi cái họ đã ném đi.

Vậy để xác định Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Nam, chúng ta có những chứng cứ gì?

Năm 1970, Giáo sư Kim Định đã tuyên bố “Kinh Dịch là của Việt Nam” trong tác phẩm Dịch Kinh linh thế, tiếp sau đã có nhiều người mạnh dạn đề xuất những chứng cứ như Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trần Quang Bình, Hà Văn Thùy, Nguyễn Quang Nhật, Nguyễn Việt Nho, Trúc Lâm …

Riêng cá nhân tôi từ năm 1999, đến nay, tôi đã trình với công luận những chứng cứ khả dĩ chứng minh được Kinh Dịch là di sản của tổ tiên Việt Nam qua mấy điểm sau:

Căn cứ vào những hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và đồ đồng Đông Sơn thì Việt tộc đã ghi khắc những quẻ Dịch trước Trung Quốc và sớm hơn chứng liệu của Trung Quốc (xin xem Phát hiện Kinh Dịch thời đại Hùng Vương – Thanhnienonline).

Chứng liệu của Việt tộc trực tiếp từ tượng quẻ không phải qua suy luận từ số đến tượng như Trung Quốc. Có đầy đủ 8 quẻ đơn và một số quẻ kép trên đồ đồng Đông Sơn. Những quẻ này có thể đọc thành văn bản phản ánh tư tưởng quốc gia Văn Lang (Sứ giả Văn Lang – Anviettoancau.net).

Quẻ Dịch trên đồ Phùng Nguyên và Đông Sơn chứng tỏ hào dương vạch liền và hào âm vạch đứt của Trung Quốc là biến thể của hào dương vạch liền và hào âm vạch chấm của Việt Nam, Trung Quốc đã nối những chấm âm lại thành vạch đứt để vạch cho nhanh (cải biên) (Chiếc gậy thần – dạng thức nguyên thủy của hào âm dương – thanhnienonline).

Các từ Dịch/Diệc, Hào, Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Khảm, Ly, Tốn, Đoài chỉ là từ ký âm tiếng Việt (Bàn về tên gọi tám quẻ cơ bản của Kinh Dịch – Dunglac.net).

Quan trọng nhất theo tiêu chuẩn tam tài của Trung Quốc chỉ sử dụng Tiên Thiên đồ, Hậu Thiên đồ mà không có Trung Thiên Đồ, một đồ cốt yếu đã được tổ tiên Việt Tộc sử dụng đễ viết quái, hào từ Kinh Dịch. Đồ này được tổ tiên Việt tộc giấu trong truyền thuyết, trên trống đồng, nên có thể khẳng định Trung Quốc không thể nào là người khai sinh Kinh Dịch cũng như phân bố vị trí các quẻ. (Trung Quốc đã công bố hơn 4000 Dịch đồ nhưng không có đồ nào phù hợp với Trung Thiên Đồ) (Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam – Thanhnienonline)

Truyền thuyết Việt Nam một phần là những câu chuyện liên hệ với Kinh Dịch, như chuyện Con Rồng cháu tiên là chuyện của Trung thiên Đồ, chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là chuyển kể lại từ những lời hảo quẻ Mông, người Trung Hoa chỉ cần thay đổi bộ thủy trong hai chữ “chất cốc” là đổi câu chuyện nói về lũ lụt thành chuyện dạy trẻ mông muội là xóa được gốc tích của Kinh. Truyền thuyết được lưu giữ chính là để báo tồn Kinh Dịch (Các bài trên Anviettoancau.net – cùng tác giả).

Trong một bài báo ngắn, chúng tôi không thể trình bày hết mọi chứng cứ nhưng thiết tưởng bấy nhiêu đó cũng đủ để hy vọng các bậc đại thức giả Việt Nam nên xét lại vấn đề, cân nhắc phân minh trả lại sự công bằng cho tổ tiên. Thái độ thờ ơ của quí vị chỉ làm tăng thêm nỗi đắng cay chua xót của liệt tổ ở chốn u linh. Xin hãy chung tay làm sáng tỏ huyền án này.

Theo Nguyễn Thiếu Dũng (Tạp chí Xưa & Nay)

Nguồn: http://www.bee.net.vn/channel/1984/201103/Kinh-dich-la-cua-nguoi-Viet-1793254/

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói gì về nông thôn bây giờ…

Tiêu chuẩn

CGL vẫn cứ  yêu TĐK như thế, yêu từ TĐK bé cho đến TĐK lớn và hy vong là yêu được cả TĐK…già ( nếu TĐK cứ trung thực và can đảm nói ra những suy nghĩ của mình như đã và đang – đừng bao giờ xu thời và nịnh nọt).

_CGL_

Mươi năm về trước, Trần Đăng Khoa có những nhận định khiến tôi ám ảnh mãi. Đó là những câu đầu trong tiểu phẩm có tên là Nông dân: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ.

Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá”.

“Nông dân thời nào cũng rất khổ”, câu nói đó thực xót xa. Nhưng, có đôi lúc, tôi hy vọng đó là nhận định nhất thời của vị thần đồng một thủa. Tôi đem chuyện ấy gợi lại với tác giả Hạt gạo làng ta, ông trầm ngâm một hồi rồi tâm sự:

– Khoảng mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi ngoài 90 tuổi rồi vẫn đang sống ở quê. Các cụ không chịu ra thành phố. Cụ bà bảo, “cái dân phố xá nó không có tình cảm. Nhà bên này có tang, nhà bên cạnh lại mở nhạc xập xình. Thế thì sống chung với họ sao được hở giời!”. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà thấu hiểu được người nông dân. Tôi vẫn thấy “nông dân thời nào cũng rất khổ”. Điều đó cho đến nay vẫn là một vấn đề thời sự.

Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Ở thành phố, hiện nhiều người giàu lên, có anh là tỉ phú và cũng có cả anh là trọc phú. Nhưng người nông dân thì nói chung là vẫn không giàu. Theo tôi, hiện nay nước ta có đến 90% nông dân. Tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân cả. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có những nông dân ở những cấp cao. Có nhiều anh rất trang trọng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một anh nông dân quê mùa.

Nhìn vào các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn những người này đang bám đồng ruộng. Không thể phủ nhận là hiện nay đời sống nói chung của chúng ta là có khởi sắc, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất.

Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ người cày lại đang mất ruộng. Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái. Đã thế, người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê. Chỉ bỏ ra chừng non tỉ bạc là đã có thể có cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh nhà quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ viết về thảm cảnh này của người nông dân chỉ có bốn câu, mà lần nào nhớ đến, tôi cũng bị ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất – Táp về thành phố – Bán mình trong các chợ người – Định nói một điều – Nhưng rồi tôi im lặng”. Cái im lặng của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ. Anh nhà quê ra phố, mang cả những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả.

Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn? Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại.

Nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Văn hóa Việt Nam – Thụy Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó. Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng, chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.

– Ây dà dà…

– Tôi xin nhấn lại rằng, nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay là mất đất. Công nghiệp hóa thì rất tốt. Tôi cho đó là chủ trương rất đúng nhưng chúng ta phải tính xem thế nào.Tại sao không lấy những vùng đồi, vùng đất cằn không phát triển được nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, mà cứ lấy khu “bờ xôi ruộng mật”? Bây giờ, cứ thử đi từ Hà Nội về Hải Phòng mà xem, những cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng đã “bay” hết rồi.


Một buổi cày. Tranh sơn dầu của Lưu Công Nhân.

– Việc đưa các khu công nghiệp, nhà máy lên vùng đồi, tránh xa vùng “bời xôi ruộng mật”, có thể nói ai cũng nhận ra, cũng nhiều người kiến nghị rồi nhưng tại sao chúng ta vẫn không làm được. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

– Nhiều người đều nhận ra mà rồi điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người đầu tiên đặt ra vấn đề này thẳng thắn trên báo chí là nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là đại diện báo Tiền Phong tại Quảng Ninh, trò chuyện với ông Hà Văn Hiền, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Bài đã đăng trang đầu tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ thập niên 90 của thế kỉ trước, khi đó, các Khu công nghiệp còn chưa nhiều. Nội dung bài báo đó, còn được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội dàn dựng với nhiều cảnh quay rất có sức thuyết phục, nhưng hình như những người có trách nhiệm chả mấy ai nghe.

Ông Hiền nhiều năm nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nếu ông quan tâm hơn, tiếng nói của ông sẽ có trọng lượng về vấn đề này. Còn vì sao có hiện trạng nông dân mất đất ư? Có gì đâu. Vì ở đó tiện đường, dễ làm, dễ xây dựng cơ sở hạ tầng. Mấy cái “dễ” ấy làm họ giảm được một nửa tiền đầu tư. Vì thế mà họ ép những người có trách nhiệm. Có rất nhiều cách ép. Và khi khu công nghiệp vào vận hành, lại thuận lợi về vận tải và tiện cho việc quảng bá sản phẩm mà lại giảm được đầu vào, hạ được giá thành để tăng lợi nhuận.

Đối với nhà sản xuất, đấy là vấn đề sống còn của họ, nên họ làm bằng được, và có nhiều biện pháp để làm, trong khi ta cứ nhân nhượng rồi lại nhân nhượng. Họ lại còn có nhiều sức ép và cách ép rất hiệu quả để thực hiện bằng được ý muốn. Cuối cùng ta mất đất màu cho họ, cũng là điều dễ hiểu. Mà đất trồng lúa, phải qua hàng ngàn năm canh tác mới tạo ra được.

Gần đây, trong buổi phát biểu góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã nói một ý: “Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kỳ. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người rồi hết nhiệm kỳ thì hạ cánh an toàn, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu”.

– Tức là vấn đề mấu chốt vẫn là người lãnh đạo?

– Đúng vậy! Chúng ta cần những người có tầm nhìn 20, 50 năm, thậm chí là cả trăm năm để mà giải quyết vấn đề trước mắt về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tôi đi các nước thì thấy rằng, giữa nông thôn và thành phố không khác xa bao nhiêu. Thậm chí không phát hiện được đó là làng quê, nếu không có tiếng gà gáy. Quy hoạch của họ rất tốt, họ rất quan tâm tới nông thôn, nông dân. Còn chúng ta thì thiếu cái đó.

Số phận người nông dân, có thể bị đẩy vào thảm kịch là vì vậy. Thậm chí có cả những thảm kịch nhìn bên ngoài không thể thấy được. Cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng ô tô, xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường. Làng quê đã vỡ…

– Làng vỡ? Tôi nhớ, đã lâu lắm, có lẽ chừng 15 năm trước, ông viết một tiểu phẩm ngắn có tên là Vỡ làng. Trong đó, ông chỉ kể những câu chuyện vui thôi nhưng ngẫm ra không thiếu những giọt nước mắt đau xót…

– Đúng vậy! Bây giờ chuyện ấy vẫn là vấn đề nan giải. Cũng may, nhờ kết quả của công cuộc đổi mới, nhiều vẻ đẹp của phong tục cũ đã được khôi phục. Nhưng rồi cũng có người lại lợi dụng sự thông thoáng đó để trục lợi. Ví dụ như việc xây chùa chiền, đền miếu chẳng hạn. Bên cạnh ngôi chùa lớn, thấy có nhiều khách hành hương. Thế là người ta “cấy” thêm rất nhiều ngôi chùa bên cạnh để thu công đức. Cái đó lại không ổn rồi. Nó làm băng hoại văn hóa. Đâu phải tâm linh. Ngay trong văn hóa tâm linh ở làng quê cũng đang vỡ. Nhìn ở góc độ người làm văn hóa, tôi cho rằng điều đó hiện nay cũng rất đáng quan ngại.

– Hồi bé, ông viết câu thơ: “Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến”. Gửi gạo ra tiền tuyến, là để nuôi quân đánh giặc, giành lại giang sơn. Bây giờ, không còn giặc ngoại xâm nữa thì hạt gạo làng ta “gửi” ra thế giới, nuôi cả một phần nhân loại nhưng như ông nói thì chính người làm ra hạt gạo còn nghèo quá, nhiều vùng còn đói nữa. Cái nghịch lý này sao tồn tại dai dẳng vậy, thưa nhà thơ Hạt gạo làng ta?

Hiện nay, đúng là chúng ta xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới thật. Rồi có thể chúng ta sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu mồ hôi nước mắt. Nhưng như thế không có nghĩa là đời sống người nông dân chúng ta giàu nhất nhì thế giới. Bởi làm ra hạt gạo khổ lắm. Mà giá gạo lại rất rẻ. Một tấn thóc bây giờ nếu quy ra tiền thì đáng bao nhiêu đâu.

Tôi xem ti-vi, ở khu ngoại thành Hà Nội, có một chị nông dân, cả một vụ mùa đầu tắt mặt tối, trừ chi phí tất cả chỉ còn lãi được có 500.000 đồng. Năm trăm nghìn đó thì làm được gì? Sao nuôi con ăn học được? Rồi còn việc ma chay, giỗ tết và trăm thứ ở làng nữa, chị nông dân ấy trông vào đâu?

Chúng ta xuất khẩu gạo, nhưng cũng cần nghĩ đến việc đầu tư trí tuệ vào gạo. Ví như sản xuất được một loại gạo có khả năng chống béo phì, một căn bệnh mà thế giới rất sợ hãi chẳng hạn. Chỉ có thế, hạt gạo của chúng ta mới đắt giá. Và như thế, có thể nói rằng, chỉ khi nào chúng ta xuất khẩu được trí tuệ thì Việt Nam mới thật sự cất cánh. Một sản phẩm công nghệ của trí tuệ chỉ vài lạng thôi nhưng có khi bằng cả chục tấn thóc gạo của người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được. Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên?

Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Xin trả lời ngay đó là con em nông dân. Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sướng được, làm giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình. Về vấn đề này, Lênin nói rất hay: “Hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày”. Tôi nghĩ cái đó rất đúng. Chính luống cày sẽ dạy cho họ cách sống và cách làm giàu như thế nào.

– Nói về nông dân, nông thôn như vậy, nếu ai đó nói rằng Trần Đăng Khoa bi quan quá, ông nghĩ sao?

– Tôi không phải người bi quan cũng không phải là người lạc quan. Tôi chỉ nhìn thẳng vào sự thật, điều mà Đại hội VI của Đảng đã dạy tôi.

– Nếu mượn lời của một tiến sĩ có danh phận để “nói lại” với ông rằng, một bộ phận nông dân không nhỏ của chúng ta còn lười nên dẫn đến nghèo khó, ý kiến ông ra sao?

– Tất nhiên cũng có người nghèo vì lười. Nhưng nông dân mình tuyệt đại bộ phận không lười đâu. Nếu ai đó nói người nông dân mình lười, tôi phản bác ngay. Nhưng chỉ có điều, họ đổ mồ hôi rất nhiều mà hiệu quả lại rất thấp. Vấn đề là ở đó. Và ở chỗ này, người nông dân không tự lo cho mình được, vì thế mới cần đến các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý….

– Thưa ông, giả dụ bây giờ đặt ông vào vị trí lãnh đạo một địa phương, ông sẽ làm gì để người nông dân mình bớt khổ?

– Tất nhiên điều đó không bao giờ xảy ra (cười). Chúng ta không nên bàn chuyện ở trên mây. Tuy nhiên, những đấng cứu thế có khi vẫn đang nằm ở trong dân. Chúng ta đã từng có một Kim Ngọc đó thôi. Vấn đề làm sao để cho đời lại xuất hiện những Kim Ngọc mà không bị “đứt gánh”…

– Thưa ông, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông đánh giá thế nào về những chương trình đó?

– Phải nói ngay rằng, những chính sách đó rất hay nhưng sòng phẳng mà nói, nó chỉ giải quyết được những vấn đề nhất thời. Cái chúng ta quan tâm lớn hơn thế và cái mà chúng ta cần đạt được cũng phải lớn hơn thế…

– Còn trong văn học thì sao? Thực tế chứng minh rằng, những tác phẩm hay nhất, thăng hoa nhất là những tác phẩm về nông thôn, thân phận người nông dân. Nhưng gần đây, nói theo một nhà văn có tên tuổi, thì chính các nhà văn nhà thơ cũng đang rời xa nông thôn mà đang chạy theo vuốt ve thành thị. Là một nhà thơ, ông thấy nhận xét ấy thế nào?

– Ở đây tôi, một lần nữa phải cảm ơn tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã có sáng kiến ở tầm vĩ mô về cuộc vận động sáng tác về đề tài “tam nông” vừa qua. Sau việc tôn vinh những tác phẩm âm nhạc đặc sắc về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là mảng văn học.

Theo tôi, những sáng tác hay nhất của chúng ta vừa qua vẫn là về đề tài nông thôn. Người đầu tiên viết hay về nông thôn phải nói đến các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phạm Duy Tốn, rồi đến Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính… Sau này là Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Đào Vũ, Ngô Ngọc Bội, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Hữu Nhàn… và gần đây nhất trong giới trẻ là Nguyễn Ngọc Tư…

Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, đề tài nông thôn không hề kém hấp dẫn. Đấy vẫn là mảnh đất màu mỡ. Hy vọng ở đó, chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn. Nông thôn vẫn gắn bó xương cốt với người viết, là vùng người viết thông thạo hơn cả. Trở về vùng đất màu mỡ ấy, hy vọng chúng ta mới có được những vụ mùa văn chương.

Còn có ý kiến cho rằng, văn sĩ quay lưng với nông thôn, vuốt ve thành thị thì tôi cho rằng cái đó không hẳn đâu. Tôi không tin như thế. Còn việc nhà văn sống ở đâu thì không quan trọng. Cái quan trọng là người đó có am tường nông thôn không và họ đã viết như thế nào. Tất cả những gì đã có, dù ít dù nhiều cũng cho chúng ta niềm hy vọng. Có phải thế không?

Hãy sống thật giản dị và không ngừng đầu tư cho cuộc đời mình

Tiêu chuẩn

Lời khuyên nào trong bài này cũng hay, CGL thích hết, và thích nhất là câu cuối. Ngưỡng mộ  ông Warrent Buffet quá!

_CGL_

Warrent Buffet – cái tên luôn nằm trong top đầu danh sách những người giàu có nhất hành tinh – nói rằng: “Đừng dùng thẻ tín dụng, tất cả những gì bạn cần làm là tập trung đầu tư cho chính bản thân mình”.

Người giàu có thứ ba của thế giới đã làm giàu như thế nào và cuộc sống thường nhật của ông ra sao? Hãy xem lối sống giản dị và khiêm tốn của ông qua buổi phỏng vấn được đài CNBC thực hiện trong một giờ đồng hồ.

1. Ông bắt đầu mua cổ phiếu năm 11 tuổi và đến giờ ông vẫn cảm thấy hối tiếc vì đã không mua sớm hơn.

2. Ông đã mua một trang trại nhỏ vào năm 14 tuổi bằng số tiền dành dụm được từ việc giao báo.

3. Ông vẫn sống trong một căn nhà nhỏ với 3 phòng ngủ ở ngoại vi thành phố Omaha. Ông mua căn nhà này cách đây 50 năm, sau khi ông vừa kết hôn. Ông cảm thấy mình sống thật đầy đủ và tiện nghi trong căn nhà ấy, và nhà ông không hề có tường rào để bảo vệ.

4. Ông luôn tự lái xe và không hề thuê tài xế hay bất kỳ một người nào để bảo vệ ông.

5. Ông không bao giờ sử dụng phi cơ riêng mặc dù ông sở hữu một công ty sản xuất phi cơ lớn nhất thế giới.

6. Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đang điều hành đến 63 công ty con. Hàng năm, ông chỉ viết một lá thư để liên lạc với các giám đốc điều hành của 63 công ty này để hoạch định mục tiêu hoạt động trong năm. Ông không bao giờ triệu tập họp mặt hay gọi điện cho họ theo định kỳ như các tập đoàn khác. Ông chỉ đạo các tổng giám đốc điều hành làm việc theo hai quy tắc mà thôi. Quy tắc 1: Đừng bao giờ làm mất tiền của cổ đông. Và quy tắc 2: Luôn ghi nhớ quy tắc 1.

7. Ông không thích tham gia các cuộc hội hè, đình đám với tầng lớp thượng lưu của xã hội. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông lại trở về nhà, tự làm cho mình một túi bắp rang bơ và thong dong xem truyền hình.

8. Bill Gates, nhân vật giàu có nhất thế giới, đã gặp ông cách đây năm năm. Bill nghĩ giữa hai người chẳng có điểm tương đồng nào, vì thế Bill chỉ dự định gặp ông trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng, trên thực tế, cuộc gặp mặt này kéo dài đến 10 giờ đồng hồ. Và từ đó, Bill Gates thật sự khâm phục Warren Buffet.

9. Warren Buffet không dùng điện thoại cầm tay, cũng chẳng có cái máy tính nào trên bàn làm việc của ông cả.

Ông đã nhắn nhủ với thế hệ trẻ như sau: “Đừng dùng thẻ tín dụng, tất cả những gì bạn cần làm là tập trung đầu tư cho chính bản thân mình và hãy nhớ rằng:

– Tiền bạc, của cải không tạo ra con người; chính con người mới tạo ra những thứ ấy.

– Hãy sống thật đơn giản và giản dị như chính con người của bạn.

– Đừng bao giờ làm theo lời người khác. Đó chỉ là ý kiến tham khảo cho bạn mà thôi. Hãy làm những gì bạn cho là đúng và đem lại cảm giác thoải mái cho bạn.

– Đừng phung phí tiền bạc cho những thứ không cần thiết, hãy sử dụng thật hiệu quả đồng tiền của bạn cho những người thật sự cần giúp đỡ.
Cuối cùng, cuộc sống là của riêng bạn, vậy thì tại sao lại để người khác định đoạt nó?”

Nguồn: http://advice.vietnamworks.com/vi/career/bai-hoc-thanh-cong/hay-song-gian-di-va-khong-ngung-dau-tu-cho-cuoc-doi-minh.html?utm_source=JSNL&utm_medium=JSNL_Article_Experience&utm_content=JSNL_23FEB11_LayoutB&utm_campaign=JSNL_23FEB11

Tổng thống Libya quyết thắng đến cùng

Tiêu chuẩn

Ai cũng…quyết thắng! CGL quyết …theo dõi đến cùng!

_CGL_

Moammar Gadhafi phát biểu trước người biểu tình hôm qua. Ảnh: BBC.
Moammar Gadhafi phát biểu trước người biểu tình hôm qua. Ảnh: BBC.

Đại tá Moammar Gadhafi có mặt tại một điểm từng bị liên quân không kích ở thủ đô Tripoli và nói với người ủng hộ: “Cuối cùng, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Tổng thống Libya phát biểu tại căn cứ Bab al-Aziziya hôm qua rằng “tất cả quân đội Hồi giáo” nên gia nhập lực lượng của ông ta. Phe ủng hộ Gadhafi đang quyết liệt giao tranh với lực lượng nổi dậy ở nhiều thành phố tại Libya.

Phát biểu của Gadhafi kéo dài ba phút và được phát sóng lên truyền hình quốc gia. “Hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất chính là con người. Al-Gadhafi đang ở trong lòng dân chúng. Đây chính là phòng không”, Gadhafi nói. Ông cũng nói các cuộc không kích của liên minh là “thập tự chinh nhằm vào đạo Hồi” và kêu gọi “tất cả quân đội Hồi giáo phải tham gia cuộc chiến này. Chúng ta sẽ giành chiến thắng cuối cùng”.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đang thực thi nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ dân thường Libya và thiết lập vùng cấm bay ở quốc gia Bắc Phi. Trong khi đó, quân đội của Gadhafi tiếp tục giao tranh dữ dội với phe đối lập.

Misrata, thành phố cuối cùng do phe đối lập nắm ở miền tây, là một trong những chiến trường đẫm máu nhất. Một bác sĩ nói với AP rằng số người chết ở đây vượt sức chứa của bệnh viện. “Tình hình ở đây rất kinh khủng. Xe tăng nã đạn vào thành phố sáng nay”, một dân thường nói với Reuters.

Thêm vào đó, không bên nào đủ mạnh để nắm thành phố Ajdabiya ở miền đông. BBC cho biết nội bộ phe đối lập cũng không nhất trí với nhau về mục tiêu: Một nhóm thì muốn tiến về phía tây, xa tới tận thủ đô Tripoli; nhóm khác thì muốn đánh Ajdabiya để chiếm miền đông và hy vọng dân chúng các khu vực khác sẽ nổi dậy và tự giải phóng.

Giao tranh được cho là đã diễn ra Zintan, gần biên giới với Tunisia, và Yafran cách Tripoli 130 km về phía tây nam. Nhân chứng cho biết có 10 người chết ở mỗi thành phố.

Sơ đồ khu vực giao tranh hôm 21-22/3. Sơ đồ: BBC.
Sơ đồ khu vực giao tranh hôm 21-22/3. Sơ đồ: BBC.

Mai Trang

Những ‘con ma’ hàng hiệu không nhà

Tiêu chuẩn

May thật! CGL không ở trong top này ( vì đâu có tiền để xài đồ hiệu…he..he.).

Bạn hãy tìm chân dung  mình trong bài viết này, dù thực lòng tôi không mong bạn gặp được mình trong đó.
Trong buổi tiệc mừng khánh thành một tòa cao ốc ở trung tâm quận 1 (TP.HCM) tuần vừa rồi, xuất hiện cô con gái ông Tổng Giám đốc công ty Bất động sản X, chủ đầu tư tòa cao ốc đó.

Cô nàng mặc áo đầm và mang giày của Elle, đeo chiếc vòng trang sức nhỏ của Catier, xài iPhone và cầm chiếc túi xách tay xinh xinh hiệu Louis Vuitton. Một cô nàng đồ hiệu từ trên xuống dưới!

Ảnh: TL internet

Cô ta đi cùng với mẹ và ông bà ngoại. Thái độ thể hiện với gia đình lẫn nhân viên của bố cùng quan khách đều hết sức ngoan ngoãn, lễ phép – ngoại trừ việc cô ta liên tục hí hoáy với chiếc iPhone. Cô ta 12 tuổi , đang học lớp 6 ở một trường trung học cơ sở quốc tế, trước đó 2 giờ, cô còn ngồi làm bài thi học kì môn Toán ở trường.

12 tuổi, gương mặt tiêu biểu cho thế hệ hàng hiệu “thuần thành” đầu tiên” của Việt Nam: Xài đồ hiệu, mà phải là những nhãn hiệu “nồng danh khét tiếng” của thể giới, từ mới lọt lòng mẹ (bao gồm từ chiếc bông ngoáy tai cho đến tới loại sữa uống). Khi lớn lên, thói quen tiêu dùng này đã trở thành lối sống của cô, chứ không chỉ như lứa cô bác, anh chị hiện nay: xài đồ hiệu là để khẳng định địa vị, để khoe của!

Đấy là một chân dung tôi gặp ngẫu nhiên trong một buổi tiệc, là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ hàng hiệu “thuần thành” đầu tiên” của Việt Nam: xài đồ hiệu, mà phải là những nhãn hiệu “nồng danh khét tiếng” của thể giới, từ mới lọt lòng mẹ (bao gồm từ chiếc bông ngoáy tai cho đến tới loại sữa uống). Khi lớn lên, thói quen tiêu dùng này đã trở thành lối sống của cô ta, chứ không chỉ như lứa cô bác, anh chị hiện nay: xài đồ hiệu là để khẳng định địa vị, để khoe của!

Cô bé này cũng là biểu trưng của lứa người Việt trẻ mang trong mình mối mâu thuẫn lớn giữa thu nhập và chi tiêu hiện nay: là những người có sức tiêu dùng mạnh nhất, “sộp” nhất trong xã hội dù bản thân chưa làm ra một đồng cắc nào.

Nhưng đối tượng chính trong bài viết này mà tôi muốn nói tới lại không phải là cô bé hàng hiệu 12 tuổi đó.

Một cô gái 25 tuổi ngồi cạnh tôi là tín đồ hàng hiệu. Theo như danh thiếp cô đưa, nhìn vào vị trí và công ty nơi cô đang làm việc, tôi đoán mức lương của cô khó vượt qua con số 10 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng chiếc túi LV cô xách theo bên mình đã nằm giá trên 2 ngàn “đô”, vị chi trên 50 triệu. Chưa kể áo đầm Gucci, giày dép, trang sức cùng những món lỉnh kỉnh khác cô mang theo trong chiếc túi xách tay…

Ảnh: TL internet

Tôi không lạ lẫm với những cô gái như thế này, họ ngồi đầy trong các công sở hiện đại sáng đèn đêm ngày trong thành phố – những cô gái văn phòng có mức thu nhập trung bình. Họ thuộc nhóm quanh năm bóp bụng ăn mì gói gặm mì không uống nước lã. “tiêu diệt” hết mọi nhu cầu chi tiêu chỉ để dồn tiền mua một  món hàng hiệu “khủng”: chiếc túi LV, đôi giày Guccci, chiếc áo đầm Prada, món trang sức Catier, bộ đồ trang điểm, mỹ phẩm, nước hoa thuộc các nhãn hiệu “nói tên ra biết giá liền”. Cứ mỗi một món như vậy, họ cũng có được một bộ cánh hàng hiệu hoàn hảo từ đầu tới chân.

Nhưng đấy cũng chưa phải là đối tượng chính tôi muốn đề cập đến trong bài viết này. Nhóm này mới chỉ là những người “thu nhập trung bình tài sản không có gì” chỉ vì lỡ vướng vào cơn bùa mê hàng hiệu.

Đối tượng chính của bài viết này phải là những người trẻ sau đây: Những người thu nhập cao, tài sản nghèo.

Bạn có thể hình dung một người 30 tuổi sống ở Sài Gòn
, có mức nhập trên 30 triệu một tháng (anh ta đạt được mức thu nhập này từ 5 năm nay) nhưng cuộc sống của anh ta là thế này: Ở nhà thuê, ăn cơm quán, di chuyển hàng ngày bằng xe ôm/taxi, tài khoản thường xuyên trống rỗng hoặc đang trong tình trạng ghi nợ (tiêu trước trả sau).

Về ăn mặc, anh này theo “chủ nghĩa” quần áo che thân, miễn là lành lặn sạch sẽ tươm tất là được, không kể nhãn hiệu gì, xuất xứ từ đâu. Về ăn uống, thì nghiện mỗi món kem, còn nữa ăn gì cũng được, ăn đâu cũng xong. Và xin được nói rõ là anh ta không có gánh nặng trách nhiệm gia đình nào, cũng không có chứng bệnh mãn tính, nan y nào. Tất cả tiền anh ta làm ra chỉ được tiêu dùng cho bản thân anh ta, vào những sở thích của anh ta.

Viếng thăm nhà anh ta, một căn hộ cho  người độc thân rộng ngoài 30m2, thấy không có tài sản đáng giá, chỉ thấy những đĩa nhạc và đĩa phim cùng linh tinh sách. Những thứ văn hóa phẩm lành mạnh có đồi trụy có ấy chất cao tới nóc, muốn lấy cái đĩa nào chỉ mình anh ta biết chỗ và phải bắc thang.

30 tuổi, thu nhập 30 triệu: Không “ép xác” hiện tại chỉ vì tương lai, không dè sẻn chút ít trong hiện tại cho tương lai, tất cả là cho cuộc sống hiện tại, hưởng thụ trong hiện tại…không vì có một niềm tin tưởng lớn vào nền kinh tế sẽ ngày càng phát triển, đời sống cá nhân sẽ ngày càng thịnh vượng, mà đơn giản chỉ vì “sống là không chờ đợi”, “sống là không hi sinh”.

Anh ta tên là Nguyễn K. làm giám đốc truyền thông của một nhà xuất bản, đồng thời là một tay làm PR có tiếng trong giới ca sĩ cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, dù địa bàn hoạt động của anh ta chỉ  là ở Sài Gòn. Những băng đĩa sách vở trên  của anh ta toàn là xịn, đồ gốc, mua một phần để phục vụ cho nghề nghiệp, phần lớn hơn là vì sở thích.

Sơ qua cuộc sống của anh ta như vậy, có thể biết anh ta không phải là người tiêu xài hoang phí, ăn chơi vô độ. Vậy thì anh ta làm gì cho hết 30 triệu mỗi tháng?

Anh ta chơi! Cứ có tiền hoặc sắp có một khoản tiền (anh ta dùng thẻ ghi nợ) là anh ta lại đi nước ngoài (tham vọng của anh ta là khắp các nước trên thế giới xong rồi chết). Đi nước ngoài thì ưu tiên coi ngó tham dự các buổi biểu diễn nghệ thuật, thăm viếng các bảo tàng, lùng sục băng đĩa sách vở mình cần, mình quý. Cứ thế cho đến khi trong túi không còn xu nào ngoài chiếc vé khứ hồi thì ra sân bay là vừa.

Bạn bè cùng tuổi với anh ta, có người mức thu nhập thấp hơn, những đã vợ con đề huề, nhà cửa xong xuôi, tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng đã lên đến chín, mười con số 0. Còn anh ta vẫn thế, mình trần thân trụi, không có gì ngoài những điều ghi dấu trong ký ức qua những chuyến chân đi mắt thấy tai nghe tay sờ.

Hỏi anh ta sao không để dành tiền mua lấy cái  nhà, an cư lạc nghiệp, anh ta trả lời: “Nhà cửa Việt Nam hiện nay quá đắt đỏ, đắt đến mức phi lý, hoang tưởng. Để có một cái nhà , dù là chả nên hồn vía gì, người ta phải chấp nhận hi sinh hầu hết mọi nhu cầu vật chất, tinh thần khác trong hai mươi năm, ba mươi năm của cuộc đời tuổi trẻ. Cái giá ấy tôi không chấp nhận được. Thà cứ mỗi tháng trích ra một phần thu nhập trả tiền nhà để được sống cuộc sống mà mình thích.”

Cũng là một quan niệm có lý và dễ lây lan. Vì thế mà nó khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay, với những người có gốc ở tỉnh sống ở thành phố, không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ cho những khoản mua sắm lớn như xe cộ, nhà cửa. Chắt bóp cũng không biết đến bao giờ mới mua được căn nhà, cái xe hơi, thôi thì tiêu béng đi cho xong, ai có sở thích gì thì tiêu tiền vào sở thích ấy. Quan trọng là họ không coi cuộc sống như thế là tạm bợ, mà xác định sẽ sống thế mãi.

Về hôn nhân, nhiều người trong nhóm này xác định sẽ không  kết hôn và sinh con. Tình nhân thì có, vợ thì không. Vợ có thể có, nhưng con thì không. Về bạn gái, yêu cầu đầu tiên của họ là tự đảm đương được những vấn đề chi tiêu của bản thân. Nghĩa là ngoài trách nhiệm với bản thân ra, họ không phải  mang vác trách nhiệm với bất kỳ người nào khác, cho dù yêu hay vì tình máu mủ. Mấy chữ “sống vì người khác”, “hi sinh cho người khác” không có trong từ điển của họ. Một đời sống có thể gọi là ích kỷ tuyệt đối – mọi sự cho mình, vì mình, không gì ngoài nhu cầu của mình.

Ảnh: TL internet

Khi hỏi tiếp vì sao anh ta không dành một khoản tiền tích lũy nào đó phòng khi đau ốm, tai nạn, thất nghiệp, suy thoái kinh tế…anh ta trả lời: “Bây giờ kiếm được chừng ấy thì tiêu chừng ấy. Mai sau kiếm được nhiều hơn tiêu nhiều hơn. Cùng lắm không kiếm được nữa, đến mình, thì “đòm” một phát là xong chứ gì”.

Suy nghĩ của anh ta hoàn toàn không cá biệt. Không “ép xác” hiện tại chỉ vì tương lai, không dè sẻn chút ít trong hiện tại cho tương lai, tất cả là cho cuộc sống hiện tại, hưởng thụ trong hiện tại…không vì có một niềm tin tưởng lớn vào nền kinh tế sẽ ngày càng phát triển, đời sống cá nhân sẽ ngày càng thịnh vượng, mà đơn giản chỉ vì “sống là không chờ đợi”, “sống là không hi sinh”.

Cuốn phim mới nhất của đạo diễn Charlie Nguyễn có tên: “Để mai tính” rất được lòng giới trẻ. Họ đi xem và hào hứng bình luận với nhau trên mạng lẫn ngoài đời. Không đề cập đến nội dung cuốn phim, riêng cái tựa  “Để mai tính” của nó đã nói lên tinh thần sống, cách sống của giới trẻ hiện nay.

Chuyện gì mai đến thì mai tính. “Lo từ khi trời chưa mưa” là tinh thần sống của thế hệ trước, thế hệ “ăn bữa hôm lo bữa mai”, không phải cách nghĩ của thế hệ này. Những chàng trai, cô gái ra đời sau chiến tranh, được đào tạo bài bản, có công việc tốt thu nhập cao, trưởng thành trong xã hội tiêu thụ, họ sống trong tinh thần tạm gọi là Tinh thần “No fear!”(Cóc sợ). Họ có niềm tin chắc chắn rằng “hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai lại còn tốt hơn nữa”, nên kiếm được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu là cách chi tiêu của họ.

Trâm, một cô gái 30 tuổi, tài sản” là mấy tủ quần áo đồ sộ, bộ sưu tập giày lên đến hơn một trăm đôi, vô số các món đồ nội thất tinh xảo lẫn kỳ quái cô khuân về từ khắp mọi nơi trên thế giới. Hỏi sao không dành tiền mua nhà hoặc mua nhà trả góp, cô bảo: “Thằng nào cưới mình thì phải lo nhà cho mình ở chớ. Mình là con gái mà, mắc mớ chi phải lo những chuyện to tát đó!?”.

Trâm là một cô gái 30 tuổi, đang giữ chức giám đốc giao tế – nhân sự của một tập đoàn dược phẩm quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam. Năng lực cá nhân  cộng với bằng cấp tốt (cô được đào tạo chuyên ngành tại Pháp và Bỉ) đã cho cô một công việc trong mơ cùng với mức lương trong mơ (chưa kể chế độ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch, đào tạo ngắn ngày ở Châu Âu cũng trong mơ luôn).

Mức lương trong 5 năm qua của cô đi từ 1.500 “đô” đến 2.500 “đô”. Nếu cô có một kế hoạch chi tiêu và tích lũy tốt cùng với chế độ hỗ trợ cán sự cấp cao của công ty, bây giờ Trâm đã dư sức có căn hộ cao cấp, xe hơi riêng, tài khoản kha khá.

Nhưng trên thực tế, “tài sản” của Trâm hiện nay chỉ là mấy tủ quần áo đồ sộ, bộ sưu tập giày lên đến hơn một trăm đôi, vô số các món đồ nội thất tinh xảo lẫn kỳ quái cô khuân về từ khắp mọi nơi trên thế giới. Trâm vẫn cứ ở nhà thuê, chạy xe máy và nhong nhóng chờ đến cuối tháng để nhận lương đi sắm những món đồ cô đã “chấm” từ cách đó mấy tuần.

Hỏi sao không dành tiền mua nhà hoặc mua nhà trả góp, cô bảo: “Thằng nào cưới mình thì phải lo nhà cho mình ở chớ. Mình là con gái mà, mắc mớ chi phải lo những chuyện to tát đó!?”.

Trâm là một đại diện của những người Thu nhập cao, tài sản nghèo. Cơn sốt mua sắm không giới hạn, sống để mua, mua để sống, đi du lịch là để mua sắm “cày chết bỏ” là để kiếm thêm tiền  mua sắm, đặc biệt là cơn sốt trưng bay hàng hiệu, biến mình thành một chiếc giá treo móc hàng hiệu đã rút kiệt của họ từ đồng đầu tiên đến đồng cuối cùng trong chiếc thẻ ATM vào mỗi kỳ trả lương.

Những tín đồ hàng hiệu này không chỉ là các cô gái. Các chàng trai, đặc biệt là những chàng trai đồng tính, cũng là những tín đồ cuồng nhiệt, họ sẵn sàng ghi nợ ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng chỉ để thỏa cơn khát hàng hiệu của mình. Không nói ra, nhưng họ đang có chung một suy nghĩ: Bằng cách “trang bị” hàng hiệu đến tận răng như vậy, thì bản thân họ cũng trở thành một thứ hàng hiệu – “hàng hiệu sống”.

Họ quên rằng, bản thân mỗi người để được xem là  một thứ “hàng hiệu sống” thì không thể thiếu khí chất nội tại, giá trị nội tại của bản thân. Quần áo có thể tạo nên dáng vẻ sang trọng đôi phần, nhưng không thể có giá trị thay thế. Hàng hiệu là những vật đánh dấu địa vị xã hội trong xã hội Châu Á,nhưng không thể thay thế địa vị thực được thể hiện bằng chức vụ và tài sản.
“Những con ma hàng hiệu không nhà” là cách gọi vui mà bạn bè thường tặng cho các tín đồ của “tôn giáo hàng hiệu” đang làm mưa làm gió ở các nước Châu Á ngày nay.

Ảnh: TL internet

Lý giải về sự mua sắm hoang phí, vô độ của người Việt trẻ ngày nay (trong đó có cả một bộ phận người Việt trung niên) có khi phải quay về quá khứ, trở lại thời kỳ lịch sử đói nghèo của dân tộc Việt. Sự nô dịch hóa kéo dài hàng năm đã tạo nên một xã hội bần cùng nghèo khổ (lao động nặng nhọc, kiếm được ít tiền hoặc hầu như không có tiền, phẩm giá con người bị hạ thấp). Những gì nghèo khổ đã gây nên là tạo ra một khao khát ném chặt, một ham muốn nén chặt, một giấc mơ, dù có thể xa xôi và khó đạt được tới đâu đi chăng nữa.

Những người Việt ở trong độ tuổi trên dưới 30 hiện nay đều ít nhiều có phần tuổi thơ gắn với quá khứ đói  và nghèo. Khi bắt đầu có tiền thì việc đầu tiên là chi dùng nó cho những giấc mơ tuổi thơ, tuổi teen đã không được thỏa mãn vào thời điểm đó. Với những đứa con chí hiếu, thì tiêu phần lớn số tiền kiếm được cho những giấc mơ vật chất của bố mẹ, anh em.

Khi có tiền cái ước muốn nén chặt đó bùng lên dồn dập và khao khát đó đòi được đáp ứng. Xã hội Việt Nam hiện nay đang ở vào thời kỳ “bắt đầu có tiền” (nền kinh tế tăng trưởng và người dân lần đầu có tiền). Thế là lao vào thỏa mãn ham muốn tiêu dùng, mua sắm bao nhiêu năm bị đè nén của mình và người thân.

Những người Việt ở trong độ tuổi trên dưới 30 hiện nay đều ít nhiều có phần tuổi thơ gắn với quá khứ đói  và nghèo. Khi họ bắt đầu có tiền thì việc đầu tiên là họ chi dùng nó cho những giấc mơ tuổi thơ, tuổi teen đã không được thỏa mãn vào thời điểm đó. Với những đứa con chí hiếu, thì họ tiêu phần lớn số tiền kiếm được cho những giấc mơ vật chất của bố mẹ, anh em họ.

Có một điều khác cơ bản của thể hệ này với những thể hệ trước, là thể hệ trước có ít tiền, nhưng áp dụng chiến thuật kiến tha lâu đầy tổ, cuối cùng họ vẫn có tài sản (thay vào đó họ có toàn tiêu sản và đồ vật). Thu nhập cao, nhưng không nhà, không tiền tích lũy, không mua bảo hiểm, họ chỉ cần thất nghiệp một vài tháng là lập tức phải mò lên tòa soạn báo Mua & Bán để rao lên thảm thiết: Để lại với giá rẻ 1 iPhone, 1 Macbook, nhiều đôi giày và váy áo còn trong tình trạng sử dụng cực tốt, tất cả đều là hàng hiệu “khủng”.
Và tôi muốn kết thúc bài viết này tại đây, dù như thế xem ta có phần hơi bi đát!

•   Anh Minh

(Bài viết đăng trên báo Người Đẹp Việt Nam)

Libya dậy sóng

Tiêu chuẩn

Gadhafi ! CGL thấy số phận ông sắp được định đoạt. Mong dân Libya mau hết khổ.

_CGL_

-Một chiến đấu cơ Pháp đã nhả đạn vào một xe quân sự của phe Kadhafi vào lúc 16 giờ 45 (giờ quốc tế) ngày thứ bảy 19/3

-Lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Anh cho biết đã bắn ít nhất 110 hỏa tiễn Tomahawks vào những địa điểm phòng không của Libya, trong khi chiến đấu cơ của Pháp liên tục oanh kích nhắm thẳng vào các đơn vị bộ binh và thiết giáp của Gadaffi ở dưới đất liền.

-Đại tá Gaddafi thề đánh trả và tuyên bố sẽ vũ trang toàn dân để bảo vệ Libya.

Không quân Pháp mở màn chiến dịch quốc tế tấn công vào Libya

Thụy My – Một chiến đấu cơ Pháp đã nhả đạn vào một xe quân sự của phe Kadhafi vào lúc 16 giờ 45 (giờ quốc tế) ngày thứ bảy 19/3, mở màn cho chiến dịch quốc tế tại Libya theo tinh thần nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc. Hơn 110 hỏa tiễn Tomahawk từ các tàu ngầm và chiến hạm của Mỹ và Anh cũng đã bắn vào trên 20 mục tiêu tại Libya.

Sau nhiều tuần lễ do dự, cuối cùng nhờ có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và sự hỗ trợ của các nước Ả rập, ngay sau hội nghị thượng đỉnh tại Paris ngày 19/3, chiến dịch quân sự của đồng minh đã được tiến hành để chặn bước phe ông Mouammar Kadhafi.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, có khoảng hai chục máy bay Rafale, Mirage 2000, máy bay tiếp liệu của Pháp, cũng như máy bay trinh sát Awacs tham gia. Không quân Pháp đã tiến hành bốn cuộc không kích trong ngày, phá hủy nhiều xe thiết giáp của chế độ độc tài Libya. Tối chủ nhật 20/3 hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle cũng sẽ khởi hành từ Toulon. Chiến hạm hàng đầu của Hải quân Pháp thường mang theo khoảng hai chục máy bay, kèm theo đội hình chiến đấu trong đó có một tàu ngầm và nhiều khu trục hạm.

Tối 19/3, tiếp theo hoạt động của Không quân Pháp, phía Hoa Kỳ bắt đầu khai hỏa các hỏa tiễn Tomahawk vào các trận địa phòng không Libya ở quanh Tripoli và Misrata, nhằm buộc tuân thủ vùng cấm bay. Theo nguồn tin Mỹ thì đã có hơn 110 hỏa tiễn Tomahawk đã được bắn đi. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang công du Brazil tuyên bố, đã cho phép lực lượng Mỹ « hoạt động quân sự một cách hạn chế », nhưng không triển khai bộ binh tại Libya. Ông khẳng định tuy không muốn sử dụng vũ lực, nhưng Hoa Kỳ không thể khoanh tay ngồi nhìn một nhà độc tài đe dọa sẽ tàn sát dân lành. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ những « phương tiện quân sự độc đáo » mà các nước đồng minh khác không có được.

Từ Luân Đôn, Thủ tướng Anh David Cameron loan báo quân đội Anh bắt đầu tham gia chiến dịch quân sự tại Libya kể từ tối thứ bảy, với các chiến đấu cơ Tornado và Eurofighter.

Tại phía đông thủ đô Tripoli, đã có nhiều tiếng nổ lớn và những cụm lửa bốc cao. Báo chí chính thức của chế độ độc tài Libya nói là « các mục tiêu dân sự » đã bị tấn công làm cho một số người bị thương, bồn chứa xăng dầu của thành phố Misrata bị hư hại. Ủy ban Hồng thập tự Quốc tế kêu gọi tất cả các bên tham chiến tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc nhân đạo.

Việc liên quân quốc tế khởi đầu chiến dịch quân sự đã được người dân đang tản cư khỏi Benghazi nhiệt liệt chào đón bằng nhiều hồi còi xe vang dội và các phát súng chào mừng. Được biết từ sáng sớm thứ bảy 19/3, các cuộc giao tranh ở ngoại vi Benghazi với nhiều quả pháo hạng nặng của phe Kadhafi rót vào khu dân cư, đã khiến cho nhiều ngàn người dân phải đi sơ tán khỏi Benghazi bằng đủ mọi phương tiện có được. Trên đường di tản, họ đã được dân chúng sống gần đó hỗ trợ thực phẩm, nước uống, nhiên liệu hoặc cho tạm trú.

Xin nhắc lại, nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc ấn định vùng cấm bay tại Libya đã cho phép liên quân quốc tế không kích vào quân Kadhafi, buộc phe nhà độc tài chấm dứt việc đàn áp đã khiến cho hàng trăm người chết, 300.000 người phải chạy ra khỏi Libya kể từ cuộc nổi dậy ngày 15/2.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20110319-khong-quan-phap-mo-man-chien-dich-quoc-te-tan-cong-vao-libya

Liên quân oanh kích nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Libya

Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã liên tục mở những cuộc oanh kích và bắn hỏa tiễn vào nhiều mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ Libya

Courtesy navy.milHỏa tiễn Tomahawk được phóng đi từ chiến hạm USS Barry của Hải quân Hoa Kỳ vào các mục tiêu trong lãnh thổ Libya hôm 19-3-2011. 

Mục tiêu nhằm áp đặt lệnh cấm bay mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua từ hôm thứ Năm, đồng thời ngăn cản bước đường tiến quân của binh sĩ trung thành với lãnh tụ độc tài Gadaffi đang tìm cách chiếm lại những thành phố đã lọt vào tay của lực lượng nhân dân cách mạng.

Lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Anh cho biết đã bắn ít nhất 110 hỏa tiễn Tomahawks vào những địa điểm phòng không của Libya, trong khi chiến đấu cơ của Pháp liên tục oanh kích nhắm thẳng vào các đơn vị bộ binh và thiết giáp của Gadaffi ở dưới đất liền.

Các viên chức quốc phòng của cả 3 nước đều nói mục tiêu đầu tiên được nhắm đến trong chiến dịch áp đặt lệnh cấm bay với Libya là những địa điểm nằm dọc theo bờ biển của nước này, đặc biệt là khu vực nằm chung quanh thủ đô Tripoli và Misrata, vì đó là nơi Gadaffi đặt những hệ thống phòng không.

Pháp là quốc gia bắn trái đạn đầu tiên để khai mào chiến dịch quân sự này. Các viên chức quốc phòng Pháp cho hay đã triệt hạ được một số xe tăng của Libya ngay trong 4 phi vụ đầu tiên.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-allies-strike-targets-in-libya-03192011192431.html

Liên quân bắt đầu tấn công Libya

Tàu USS Barry của Mỹ bắn hỏa tiễn Tomahawk vào Libya

Anh, Mỹ và Pháp phóng hàng chục hỏa tiễn vào Libya trong chiến dịch tăng cường hiệu lực vùng cấm bay đã được LHQ thông qua.

Quan chức Lầu Năm góc nói Anh và Mỹ đã bắn hơn 110 tên lửa, trong khi chiến đấu cơ của Pháp nã súng xuống quân của Gaddafi đang tấn công thành phố Benghazi, hiện do quân nổi dậy chiếm giữ.

Đại tá Gaddafi thề đánh trả và tuyên bố sẽ vũ trang toàn dân để bảo vệ Libya.

Hỏa tiễn của liên quân đã bắn phá các điểm phòng không ở thủ đô Tripoli, và Misrata.

Một chiến đấu cơ của Pháp đã nổ súng vào các mục tiêu chính phủ Libya vào lúc 1645 GMT, tiêu diệt một số xe cộ của quân đội nước này.

Thủ tướng Anh David Cameron xác nhận rằng chiến đấu cơ của Anh cũng được điều tới tham gia chiến dịch.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, phát biểu trong chuyến thăm tới Brazil, nói rằng Mỹ đang thực hiện “hoạt động quân sự có giới hạn” trong khuôn khổ “liên minh rộng lớn hơn”.

“Chúng ta không thể đứng nhìn khi một kẻ độc tài đe dọa nhân dân là ông ta sẽ không nương tay với họ.”

Ông Obama khẳng định bộ binh Hoa Kỳ không tham gia chiến dịch này.

Sau cuộc nã pháo và không tạc, Đại tá Gaddafi đã có bài diễn văn ngắn kêu gọi người dân chống trả.

Ông nói: “Các mục tiêu dân sự và quân sự trên biển và trên không sẽ gây đe dọa đáng kể tại khu vực Địa Trung Hải”.

“Nay các kho vũ khí được mở cửa và quần chúng nhân dân được trang bị đủ loại vũ khí nhằm bảo vệ độc lập, khối đoàn kết và danh dự của Libya.”

Hành động cần thiết

Bộ quốc phòng Anh cho hay một tàu ngầm của Anh quốc cũng đã bắn một số đạn pháo vào mục tiêu phòng không của Libya.

Ông Cameron nói hoạt động quân sự chống lại Libya là hành động “cần thiết, hợp pháp và đúng đắn”.

Truyền hình nhà nước Libya đưa tin rằng các lực lượng “kẻ thù Thánh chiến” đã bỏ bom các khu vực dân sự quanh Tripoli, cũng như các tàu chở dầu trên đường tới thành phố Misrata ở phía tây.

Các nguồn tin ở Tripoli nói với BBC rằng các cuộc tấn công cũng đã nhằm vào các khu vực ở miền đông như Sawani, Đường Sân bay và Ghasheer. Tại các khu vực này người ta cho là có căn cứ quân sự.

Sau nửa đêm hôm Chủ nhật, các quầng đạn pháo phòng không bừng sáng bầu trời Tripoli và người dân nghe thấy nhiều tiếng nổ.

Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Obama nói thế giới không thể “khoanh tay đứng nhìn”

Hãng thông tấn Reuters cho hay cuộc không tạc Misrata là nhằm vào một căn cứ quân sự.

Quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói các tên lửa được phóng từ một tàu ngầm của Anh và một số chiến hạm của Mỹ.

Các hỏa tiễn này đã bắn vào hơn 20 địa điểm phòng không dọc Địa Trung Hải.

Hành động quân sự trên diễn ra vài giờ sau khi lãnh đạo các nước phương Tây và Ảrập có cuộc gặp tại Paris nhằm thống nhất biện pháp tăng cường hiệu lực của Nghị quyết Liên Hiệp Quốc về “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường trước các lực lượng trung thành với Gaddafi.

Trận chiến Benghazi

Trước đó trong ngày thứ Bảy, quân của Đại tá Gaddafi đã tấn công Benghazi cho dù một hôm trước đó đã có lệnh ngừng bắn.

Tin từ thành phố này cho hay xe tăng và pháo binh của chính quyền đã tham gia tấn công.

Quân nổi dậy trong thành phố nói hàng nghìn dân thường đang tìm cách chạy trốn, và Cao ủy Tỵ nạn LHQ cho hay đang chuẩn bị để đón tới 200.000 người tỵ nạn Libya.

Các nhà báo sau đó cho biết đợt tấn công kết thúc vào cuối buổi chiều và quân nổi dậy vẫn tiếp tục kiểm soát Benghazi.

Chính phủ Libya chỉ trích phe nổi dậy đã vi phạm lệnh ngừng bắn, khiến quân đội phải đánh trả tự vệ.

Tin cho hay chiến đấu cơ của Pháp đã bắn vào các xe tăng và xe thiết giáp của chính phủ quanh Benghazi.

Nguồn tin quân sự tại Paris trước đó cũng nói máy bay của Pháp đã bay khảo sát trên toàn bộ lãnh thổ Libya.

Thêm vào đó, Canada đang gửi chiến đấu cơ tới khu vực, trong khi Ý cho phép liên quân sử dúng căn cứ quân sự của mình.

Một cuộc phong tỏa đường biển đối với Libya cũng đang được thiết lập.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm chặn đứng sự “điên rồ giết người” của Đại tá Gaddafi.

Sau khi chiến dịch không tạc bắt đầu, truyền hình Libya tuyên bố một chiến đấu cơ của Pháp đã bị bắn hạ gần Tripoli. Tuy nhiên quân đội Pháp bác bỏ tin này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/03/110320_libya_coalition_attacks.shtml

Tôi đi “mua” chỗ ngủ

Tiêu chuẩn

Nước Nhật bị động đất, sóng thần, tan hoang, đổ nát nhưng người dân Nhật không lâm vào cảnh này bao giờ…….Ôi! Việt Nam…..

_CGL_

10.000đ mua một chỗ ngủ, chuyện nghe lạ nhưng rất đỗi bình thường trên đất Sài Gòn. Những người đi mua ngủ hầu hết là dân “buôn thúng bán bưng”, thu nhập bấp bênh, đồng thời lại đi sớm về khuya, nên chọn cách mua một chỗ ngủ là tiện và tiết kiệm nhất. Thế nhưng, xoay quanh giấc ngủ 10.000đ của họ còn có biết bao nhiêu chuyện khóc cười ra nước mắt.
Đi “mua” chỗ ngủ
Đêm Sài Gòn về khuya trở nên vắng lặng, chốc chốc lại có vài chiếc taxi chạy đi đón khách. Chúng tôi tiến về phía cầu Ông Lãnh trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM và kiên nhẫn chờ đợi những người đi mua chỗ ngủ.
Tôi đi "mua" chỗ ngủ
Ngôi nhà “bán” chỗ ngủ trên bến Chương Dương trông rất nhếch nhác…
Hơn 12 giờ đêm, xuất hiện một nhóm ba người phụ nữ, hai người dắt chiếc xe đạp cũ, chở lỉnh kỉnh đồ và một người đẩy chiếc xe bán hủ tiếu, thuốc lá tiến về một con hẻm.
Người phụ nữ đẩy xe hủ tiếu cho biết, cô tên là Bông, ở Quảng Ngãi vào, thường ngày cô bán nước giải khát, thuốc lá trên đường Trần Hưng Đạo, tối lại bán trứng vịt lộn đến khuya. Đi cùng với cô Bông, một người là chị họ, còn người kia tên là Hai, cả ba người đều ở Mộ Đức, Quảng Ngãi vào Sài Gòn cũng gần 3 năm.
Thấy tôi là người lạ, nhưng hơi tự nhiên, lại nói giọng rặt Bình Định cô Hai nói: “Khu này cũng nhiều người Bình Định mua ngủ lắm, nhưng hơn tháng nay tự nhiên chủ nhà khó tính, thấy người lạ vào nhất định họ không cho mua ngủ đâu. Mấy cô là người quen, tí nữa mấy cô vào, mà con không vào được thì phải chờ cô Bảy để vào cùng”.
Quả nhiên như lời của cô Hai nói, chủ nhà dường như quen mặt mấy cô, họ đưa tay lấy tiền rồi mấy cô tiến vào bên trong cánh cổng.
Riêng tôi bị giữ lại không cho vào, đồng thời chủ nhà hỏi những câu vòng vo: “Đi mua ngủ với ai, ai là người quen trong này, cô Bảy nào, gọi ra đây nhận người rồi mới vào ngủ…”. Tôi đành ngồi lại bên ngoài chờ cô Bảy về, hơn 2 giờ đêm chủ nhà kéo cổng tôi mới ra về.
Tôi đi "mua" chỗ ngủ
Cảnh mọi người chen chúc nhau ngủ trong một căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM.
Đêm hôm sau, hơn 11 giờ đêm, tôi lại gặp một nhóm khác, một người đàn ông và ba người phụ nữ. Người lớn tuổi nhất là bà Lan ước chừng hơn 60 tuổi. Quê ở Bình Định vào Sài Gòn cũng gần 8 năm, đi bán hàng rong, không thuê nhà mà chỉ mua chỗ ngủ qua đêm.
Người đàn ông tên là Hùng trước kia làm nghề bơm, vá, sửa xe đạp, xe máy trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, giờ đây chuyên đạp ba gác chở đồ cho những người buôn bán ở chợ. Biết tôi là đồng hương, cả ông Hùng và bà Lan có hứa nói đỡ với chủ nhà nếu như tôi không chờ được cô Bảy về.
Ngôi nhà nằm gần chốt dân phòng khu phố 2, đường Nguyễn Thái Học, trước cửa cánh cổng căn nhà, chủ nhà với vẻ mặt lạnh tanh đang thu tiền của nhóm người đi mua ngủ, trông ai cũng có vẻ mệt mỏi, phờ phạc. Phía trong có tiếng ồn ào, chủ nhà nói vọng vào: “Định phá nhà của người ta đó hả…”.
Tôi dúi vào tay bà Lan 10.000đ nói với vẻ thành khẩn: “Bà nói giúp giùm con với, con bí quá phải vào đó ngay… Không biết chờ cô Bảy chừng nào mới về”. Chủ nhà nhìn tôi rồi nói: “Vào đó chỉ ngủ thôi, đi lung tung bị đánh ráng chịu…”. Tôi dạ một tiếng và đi về hướng nhà vệ sinh nơi có hơn chục người đang lố nhố xếp hàng.
200 người/80m2
Căn nhà rộng chừng 80m2, mọi người nằm ngủ như “xếp gạch”, có người trải chiếu, có người nằm lăn cả ra nền gạch. Dưới ánh sáng lờ mờ, tôi nhẩm tính, hiện những người đang ngủ trong nhà có đến hơn 200 người. Đàn ông có, đàn bà có, tất cả họ đều là những người “buôn thúng bán bưng”.
Tôi đi "mua" chỗ ngủ
Ngôi nhà kín như bưng, không cửa sổ, không quạt máy. Thỉnh thoảng trong đám người mua ngủ, có người phe phẩy chiếc quạt giấy làm dịu cái nóng và xua bớt tiếng muỗi kêu bên tai. Phần còn lại đều trùm chăn kín mặt, mặc kệ cho nóng nực hay muỗi kêu, cố ngủ lấy sức để ngày hôm sau còn làm việc.
Ông Hùng xếp đặt chỗ ngủ xong, ra cửa hút điếu thuốc. Tôi cũng nhỏm dậy theo ông ra cửa xin điếu thuốc và nghe ông tâm sự: “Đời làm thuê mà, bạ đâu ngủ đó cũng được. Nhưng từ ngày bị bọn xì ke xin đểu tiền tôi cũng sợ, không dám ngủ ngoài công viên hay góc chợ nữa, lỡ gặp lại bọn nó, nhiều lúc không có tiền nó làm bậy cũng khốn, thôi thì tốn 10.000đ để được yên thân”.
Ông Hùng còn cho biết, ông sống ở đất Sài Gòn hơn 5 năm thì đã mua chỗ ngủ gần 3 năm, tính ra số tiền mua chỗ ngủ phải hơn chục triệu. Ông bày tỏ: “Mất 10.000đ nhưng cũng chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ, 5 giờ sáng đã phải dậy để chở thuê cho người ta”.
Trước khi vào ngủ ông Hùng dặn dò thêm: “Có gì quý giá, cất giữ cho cẩn thận, ở đây đông người lắm, đủ các thành phần không biết “bốc hơi” lúc nào đâu…”. Gần 2 giờ sáng, căn nhà càng chật chội hơn, quang gánh, thúng giỏ của những người mua ngủ bỏ dọc lối đi thêm phần cho không khí ngột ngạt.
Tiếng ngáy, tiếng rên, tiếng ú ớ, tiếng lảm nhảm… của những người mơ ngủ làm cho căn phòng càng trở nên hỗn tạp. Nhiều người giật mình tỉnh giấc phải nằm nghiêng mình để dễ thở hơn một chút. Hơn 2 giờ sáng nhưng căn phòng vẫn còn người vào, họ lảo đảo tìm chỗ rồi chui vào ngủ, nhìn ai cũng lem luốc, phờ phạc…
Căn nhà chứa hơn 200 người mua ngủ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh chung. Nhìn mọi người đang nhốn nháo chờ đến lượt mình, tôi thật ngán ngẩm. Đang lững thững bước ra, bỗng có vài người chen vào trước mặt mình, trong bộ dạng ngái ngủ cứ thế họ đi thẳng vào nhà vệ sinh.

Một người phụ nữ trong số những người đang “xếp hàng” chờ vào nhà vệ sinh cho biết: “10.000đ mua ngủ là tính luôn cả đi vệ sinh, nếu không tranh thủ “chen lấn”, chờ đến giờ cao điểm thì đi cả ra quần…”. Vừa nói dứt lời người phụ nữ ấy đã vội vã chen lấn để xếp hàng như sợ ai đó chiếm mất chỗ của mình.