Sứ mệnh giáo dục

Tiêu chuẩn

  http://tamcominh.wordpress.com/

Hữu Nguyên

Hôm nay (5-9) là ngày khai trường như thông lệ hàng năm trong cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết học sinh đã phải đến trường và bắt đầu năm học mới ít nhất cũng từ ngày 15-8 vừa qua. Cái cảm giác vui chơi thỏa thích sau ba tháng hè và háo hức trở lại với mái trường của những học sinh cũ; cái cảm giác lâng lâng lạ lẫm của những em lần đầu tiên đi học, giờ đây không biết có còn không?

Riêng cái cảm giác lo lắng của hầu hết các bậc phụ huynh có con em đến trường thì có lẽ mùa khai trường nào cũng khá giống nhau. Người thì phải lo cân đối lại nguồn tài chính của gia đình; người khá giả hơn thì phải lo chạy vạy cho con mình được vào học dưới những mái trường được xem là tốt nhất; còn những gia đình neo đơn thì lại phải sắp xếp lại lịch làm việc để dành thời gian đưa đón con cái đến trường mới thực sự an tâm trước tình trạng giao thông hỗn loạn trên đường phố cũng như tình hình an ninh trật tự xã hội đang ngày càng đáng quan ngại.

Duy có một điều mà có lẽ phụ huynh nào cũng mong muốn khi phải vượt qua nhiều lo toan, trở ngại để có thể đưa con mình đến trường là sự kỳ vọng con cái của họ sẽ được tiếp cận một nền giáo dục đáng tin cậy. Về điều này thì hàng chục năm qua, các nhà chức trách cũng như các nhà giáo dục của nước nhà đã từng bàn thảo khá nhiều và cũng từng đưa ra nhiều đề án cải cách giáo dục khá rầm rộ và tốn kém. Thế nhưng, hiệu quả và chất lượng của công cuộc cải cách giáo dục đến nay vẫn được xem là chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển của đất nước cũng như kỳ vọng của hầu hết các bậc phụ huynh. Các chuyên gia cho rằng, xã hội Việt Nam ngày nay tuy đã tiến hành công cuộc đổi mới hơn hai thập kỷ, nhưng ngoài lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực đã tương đối “đổi mới tư duy”, còn lại các lĩnh vực khác đều vẫn ít nhiều bị chi phối bởi não trạng và cơ chế của thời bao cấp. Hay nói cách khác, vẫn còn bị thống trị bởi quan niệm về sự độc tôn của nhà nước, cho rằng nhà nước phải bao trùm lên tất cả, làm tất cả theo những chương trình lập sẵn. Lĩnh vực giáo dục là một trong những điển hình của tình trạng này.

Quan niệm về vị trí của định chế giáo dục như vừa nói trên có liên quan trực tiếp tới sứ mệnh của giáo dục và triết lý về giáo dục. Đã đành ai cũng đồng ý rằng nhiệm vụ của nhà trường nói chung là đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, phục vụ xã hội, nhưng đừng quên rằng sứ mệnh cốt lõi của giáo dục là dạy làm người, sau đó mới dạy các kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp. Nói cách khác, sứ mệnh của giáo dục không phải là đào tạo ra những công cụ cho xã hội, mà là đào tạo ra những con người – chủ thể của xã hội. Hiểu như vậy, ngay mối quan hệ giữa thầy và trò cũng không còn là một quan hệ quyền lực một chiều, mà là một quan hệ đồng hành, hướng dẫn, gợi mở và có tương tác. Có thể nói, định chế giáo dục Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thay đổi căn bản trong tư duy tổ chức cho nên xét về mặt triết lý, giáo dục Việt Nam vẫn còn đang bị nhiễm căn bệnh vừa giáo điều vừa thực dụng.

Theo xu hướng giáo điều, giáo dục là nhồi nhét kiến thức, hậu quả là học sinh chỉ phát triển kỹ năng học thuộc lòng, sao chép. Người thầy (hay là chương trình của Bộ) trở thành độc tôn, dạy dỗ những điều luôn được coi là chắc chắn, là chân lý, mà không để cho học trò có cơ hội đặt câu hỏi. Trong khi, giáo dục không phải chỉ là dạy những gì chúng ta đã biết, mà quan trọng hơn còn là dạy cách đi tìm cái mà chúng ta chưa biết, dạy cách suy nghĩ, cách hoài nghi, cách đặt câu hỏi và cách giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Xu hướng thực dụng trong giáo dục phản ánh xu hướng khi mà người ta lúc nào cũng chỉ chú ý tới “con người kinh tế”, lúc nào cũng chỉ nhằm vào cái gì có lợi về kinh tế và vật chất cho mình. Bị ô nhiễm bởi xu hướng thực dụng, các giá trị đạo đức xã hội bị xáo trộn. Vì chỉ luôn nghĩ tới lợi ích vật chất cho bản thân mình nên rút cục con người đi đến chỗ coi mọi phương tiện đều tốt, miễn là đạt mục đích, thậm chí với bất cứ giá nào. Biểu hiện trong xã hội là các hiện tượng khao khát hư danh, sính thành tích, thích nổi tiếng bằng scandal, coi làm giàu bằng mọi giá là lý tưởng sống… Trong khi đáng lẽ ra phải coi những thứ đó là những kết quả của cả một quá trình học tập chăm chỉ và lao động cần cù, và đây mới thực sự là những giá trị cần được đề cao. Chính đấy cũng là nền tảng sâu xa của căn bệnh thành tích trong giáo dục và của biết bao tệ nạn như chạy điểm, mua bằng, thi cử gian dối, “ngồi nhầm lớp”… Để rồi “di căn” ra xã hội bằng các hiện tượng “ngồi nhầm chỗ” do chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy vạy các kiểu… để đạt được mục tiêu “tối thượng” là mang lại lợi ích cao nhất cho bản thân mình bằng mọi giá.

Từ khi xuất hiện giáo dục, với tư cách là một tổ chức của xã hội để rèn luyện thế hệ trẻ, tất cả các triết lý giáo dục được các nhà nước tổ chức thực hiện đều coi sứ mạng của giáo dục đối với xã hội quyết định sứ mạng của giáo dục đối với người học. Điều đó có nghĩa là giáo dục phải chuẩn bị cho người học gia nhập vào một xã hội nhất định nào đó. Tức là giáo dục phải trang bị cho người học khả năng tiếp thụ và bảo vệ những giá trị mà xã hội đó coi là tích cực đồng thời phê phán và chống đối những tư tưởng và hành vi mà xã hội đó coi là tiêu cực. Ủy Ban Quốc tế về Giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO đã từng đưa ra báo cáo “Học tập – Kho báu nội tại”, trong đó có đưa ra khái niệm “học suốt đời” và nhận định: “Bốn trụ cột của giáo dục thế kỷ XXI là: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống và Học để khẳng định mình”. Khái niệm “học suốt đời” giờ đây đã trở thành câu cửa miệng của những người làm giáo dục. Chính những khái niệm này, sau khi ra đời, cũng đã được đưa về áp dụng ở Việt Nam . Thế nhưng, trên thực tế, giáo dục Việt Nam sau rất nhiều cuộc cải cách rầm rộ vẫn đang bị tụt hậu quá xa so với các lĩnh vực khác, đặc biệt là so với sự đòi hỏi phát triển của đất nước. Trong khi, bất cứ một nhà hoạch định chính sách quốc gia nào cũng thừa biết nguyên tắc “giáo dục phải luôn đi trước một bước so với sự phát triển của xã hội”, thì giáo dục Việt Nam đáng buồn thay, lại đang đi sau sự phát triển của xã hội đến hàng vài chục năm.

Bình luận về bài viết này