Lương thấp, giáo viên mầm non chuyển nghề cắt tóc, gội đầu

Tiêu chuẩn

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Luong-thap-giao-vien-mam-non-chuyen-nghe-cat-toc-goi-dau/27597

(LĐO) – Tại hội nghị giao ban các quận, huyện, thị xã về công tác giáo dục cuối năm 2010, rất nhiều quận, huyện đã đưa ra thực trạng thiếu hụt giáo viên mầm non hiện nay.

Trường tư thục “hút” hết giáo viên

Theo báo cáo của Sở GDĐT, hiện nay Hà Nội có 833 trường mầm non, trong đó có 667 trường công lập và 166 trường ngoài công lập với 339.230 trẻ và 19.544 giáo viên. Số cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường mầm non hiện còn thiếu 3.145 người, trong đó thiếu 247 cán bộ quản lý và 2.898 giáo viên. Thậm chí, đã có 86 hiệu trưởng, hiệu phó đã được bổ nhiệm nhưng chưa được vào biên chế.

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của đại diện các địa phương là giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, nhất là giáo viên các trường mầm non nông thôn mới chuyển đổi loại hình sang công lập.
Hầu hết các huyện mới của Hà Nội như Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất… đều nêu lên thực trạng thiếu giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương. Huyện Thạch Thất hiện thiếu 20 cán bộ quản lý mầm non. Huyện Quốc Oai thiếu cả cán bộ và giáo viên. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức thẳng thắn cho biết, sau khi kiểm tra thực trạng thiếu giáo viên tại nhiều trường, phát hiện ra thực tế là rất nhiều giáo viên xin vì lương quá thấp đã nghỉ không lương để mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu để đảm bảo cuộc sống. Theo ý kiến của đại diện huyện Quốc Oai, do thiếu nguồn tuyển, số lượng biên chế cán bộ quản lý giáo dục ở các huyện quá thấp nên không thể tuyển thêm được.

Không chỉ có các huyện ngoại thành, ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận hiện có nhiều trường mầm non chất lượng cao cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Lý do vì mỗi năm lại có thêm một số lượng giáo viên trường công lập chuyển sang các trường tư thục vì lương cao hơn.

Sẽ giải quyết chế độ cho 26.000 giáo viên hợp đồng

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, TP đã thông qua cơ chế cho hơn 26.000 GV mầm non đang làm hợp đồng được hưởng các chế độ chính sách như nhân viên nhà nước (được hưởng lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm…) từ năm 2011 và tuyển dụng vào biên chế nhà nước hơn 4.900 GV. Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Nội vụ trước 10.1.2011 phải trình UBND TP ký duyệt phân bổ chỉ tiêu cho các quận huyện, quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển chọn giáo viên mầm non theo quyết định phân bổ. UBND TP đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, tự quyết định hình thức tuyển chọn. Nếu xét tuyển phải triển khai trước Tết nguyên đán. Nếu thi tuyển, sẽ tổ chức thi đồng loạt ở cả thành phố, chậm nhất vào tháng 7 để tháng 9 các trường ổn định nhân sự, chuẩn bị năm học mới.

Ngoài ra, trước thực trạng nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng vẫn “nợ” một số tiêu chuẩn, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu việc xét duyệt trường chuẩn quốc gia phải tiến hành nghiêm túc, bảo đảm đủ tiêu chuẩn mới được công nhận.

Nguyên Minh

———————————————————————-

Lương thấp, làm nhiều, hàng loạt giáo viên mầm non bỏ việc

http://www.tin247.com/luong_thap,_lam_nhieu,_hang_loat_giao_vien_mam_non_bo_viec-11-24402.html


TPHCM:
Các cháu trường Mầm non quận 10, TPHCM trong giờ học bơi. (Ảnh: Đoàn Quý)

(Dân trí) – Trong khi TPHCM đang “sốt” nhà giữ trẻ, trường mầm non, thiếu giáo viên mầm non trầm trọng thì theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TPHCM, có tới 256 giáo viên mầm non nghỉ, bỏ việc thời gian qua. Một số giáo viên mầm non đã chuyển qua các trường quốc tế.

Nhu cầu gửi trẻ tăng, giáo viên ít

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay toàn TP có 639 trường mầm non, trong đó có 385 trường công lập, 254 trường tư thục và 815 nhóm lớp tư thục nuôi dạy trên 250.000 trẻ.

Số lượng trẻ thừ 0-2 tuổi đến trường-lớp-nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TP tăng bình quân trên 4.000 trẻ/ năm. Chỉ tính riêng từ 2001-2008, số lượng trẻ từ 0-2 tuổi đến trường đã tăng khá nhiều (từ 20.992 trẻ lên 44.511 trẻ). Số lượng trẻ từ 3-5 tuổi đến trường, lớp mầm non mẫu giáo cũng tăng khá mạnh, tính từ 2001-2008 tăng 80.360 trẻ (từ 128.998 trẻ lên 209.358 trẻ).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân trí, toàn TPHCM hiện chỉ có 3 cơ sở có đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) là trường Cao đẳng Sư phạm TW3 (TPHCM), Khoa Giáo dục Mầm non – trường ĐH Sài Gòn và Khoa Sư phạm Mầm non – ĐH Sư phạm TPHCM. Cả ba trường này đào tạo hết công suất thì mỗi năm cũng chỉ cung cấp chưa đến 1.000 GVMN.

Số lượng tuyển sinh vào ngành này còn rất hạn chế, năm 2007-2008, trường CĐ Sư phạm TW3 tuyển 370 sinh viên, Khoa Giáo dục Mầm non của ĐH Sài Gòn là khoảng hơn 500 sinh viên và Khoa Sư phạm Mầm non của ĐH Sư phạm TPHCM là 100 sinh viên.

Th.s Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TPHCM nói: Cứ cho rằng 100% số sinh viên này tốt nghiệp thì con số này chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu tuyển dụng GVMN tại các trường mầm non công lập hiện nay. Để đáp ứng đủ nhu cầu cũng như bù vào số GVMN nghỉ việc hàng năm thì mỗi năm TP phải cần thêm khoảng 3.000 giáo viên.

Theo quy định của ngành mầm non, một lớp từ 20-25 trẻ cần 2 giáo viên. Hiện toàn TP có khoảng 11.537 giáo viên mầm non và 2.000 bảo mẫu, nếu lấy tổng số trẻ chia cho số giáo viên và bảo mẫu này thì chúng ta sẽ thấy ngay sự quá tải trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ của GVMN.

Vì sao GVMN nghỉ, bỏ việc?

Về vần đề nhiều GVMN nghỉ, bỏ việc, Th.s Thanh cho rằng có nhiều nguyên nhân song tựu trung lại là do mức sống của GVMN hiện nay là quá thấp. Lương tháng của GVMN chỉ khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong tình hình “bão giá” hiện nay. Thêm vào đó, công việc hàng ngày khá căng thẳng, một GVMN hiện phải đảm đương hơn 20 trẻ và phải làm việc 10-12 tiếng/ngày. Thiếu GVMN nên các cô giáo phải làm việc quá tải. Nghĩa là, lương thấp thì cô khổ, cháu cũng khổ!

Th.s Thanh cũng cho biết thêm, bỏ việc như thế là quá ít, trong điều kiện làm việc như vậy thì chỉ những giáo viên nào thực sự yêu nghề, yêu trẻ mới trụ lại được. Cũng do lương thấp nên một số giáo viên đã chuyển qua các trường quốc tế.

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 23/5, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM nhận định rằng dân số TP ngày càng tăng và nhu cầu gửi trẻ hiện nay là rất cao mà số giáo viên lại quá ít, tình trạng GVMN luôn phải làm việc quá tải là có thực. Bà Hà cho biết, sau khi nhận được báo cáo chính thức của Sở GD-ĐT TP, bà sẽ đi khảo sát thực tế tại các trường mầm non và sẽ có kiến nghị với UBND TP.

Đoàn Quý

——————————————————————


Thiếu giáo viên, đưa bảo mẫu lên dạy trẻ

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/13915/thieu-giao-vien–dua-bao-mau-len-day-tre.html

Do thu nhập thấp, áp lực công việc nặng nề, nhiều giáo viên mầm non nghỉ việc trong lúc nguồn đầu vào ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội

Theo Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non (GVMN) để thực hiện đề án phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi vào năm 2015. Riêng tại TPHCM, hiện thiếu hơn 2.000 giáo viên, nhiều trường đã phải đưa bảo mẫu lên thay thế.

Lắm áp lực
Nhiều chuyên gia về giáo dục nhìn nhận ngoài thu nhập thấp, chính bài toán giữ người hiện nay đang nan giải nên không ít trường hợp trường đã tuyển đủ giáo viên nhưng qua một thời gian ngắn lại thiếu vì giáo viên xin nghỉ việc. Trong đó, những áp lực từ công việc cũng khiến không ít người phải  “dứt áo” ra đi.

Bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), tâm sự: “Nhiều nơi bảo tôi xài sang vì trong trường cứ mỗi lớp có 2 giáo viên và 1 bảo mẫu. Năm học này, Phòng GD-ĐT chỉ hợp đồng trả lương cho 7 bảo mẫu nhưng vì có 8 lớp nên tôi xin hội phụ huynh tuyển thêm.

Mỗi người có một công việc và phận sự khác nhau. Nếu lấy người học sư phạm để lau chùi, cọ rửa nhà vệ sinh mới là xài sang. Ngành giáo dục cứ kêu gọi giảm tải cho giáo viên  nhưng lại gia tăng sự thiếu thốn, một người làm công việc của nhiều người thì làm sao giảm tải được”.

Một ngày làm việc của GVMN theo quy định là 7 giờ đến và 17 giờ về. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho biết thực tế giáo viên phải đến từ rất sớm để đón trẻ và chỉ được ra về khi trường đã hết trẻ. “Không ít giáo viên  nói với tôi họ hầu như không biết đến ăn sáng là gì vì áp lực về thời gian. Giờ giải lao cũng chẳng dám chạy đi ăn vì không dám bỏ lớp, xảy ra chuyện gì thì hậu quả khôn lường”- bà Vân chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non của Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết giáo viên làm việc trong lớp đông trẻ thường bị áp lực cao, nhất là những ngày đầu tiếp nhận trẻ mới ở các lớp mầm và nhóm nhà trẻ. Bà Thanh cũng thừa nhận không ít trường, vì hiệu trưởng muốn tiết kiệm không xin thêm giáo viên cho các lớp tăng sĩ số, lại không có bảo mẫu nên giáo viên phải làm việc rất vất vả, dễ stress.

Nhiều GVMN kể chỉ cần một vết muỗi đốt trên người trẻ, có phụ huynh sẵn sàng thông cảm nhưng cũng có người bù lu bù loa lên, thậm chí hăm dọa cả cô giáo.

Tuyển trước, đào tạo sau?

Do thiếu nhiều GVMN nên trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM có chủ trương tư vấn để hướng học sinh THPT theo ngành này. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc cũng đang băn khoăn vì chủ trương khó thành hiện thực.

Bà Vân bày tỏ muốn giảm áp lực cho giáo viên, trước hết hãy giảm thời gian lao động cho họ. Thay vì 17 giờ được về thì cho giáo viên làm việc theo ca (12 giờ được về). Nếu được dư thời gian, giáo viên nào nghèo có thể đi làm thêm để tăng thu nhập, người đủ điều kiện thì học thêm để nâng cao kiến thức.

Chỉ như vậy, ngành mới giữ được giáo viên lâu dài. Để bổ sung nguồn giáo viên  còn thiếu, có thể tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, sau đó mở các lớp bồi dưỡng, vì suy cho cùng giáo dục mầm non mang tính gia đình nên chỉ cần ai yêu trẻ, yêu nghề đều có thể làm được.

Áp lực nặng nề nhất: Cấp trên

Trong một khảo sát mới nhất về môi trường giáo dục ở trường mầm non vừa được Khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐH Sài Gòn thực hiện, kết quả cho thấy khi được hỏi về áp lực lao động, có tới 87% GVMN trả lời rằng họ bị áp lực nặng nề nhất là từ cấp trên (như thanh tra thiếu thiện chí, cư xử tùy tiện, không công bằng, giao nhiều công việc thiếu khoa học, thiếu tổ chức, làm mệt mỏi…).

Trong khi đó, chỉ 64% câu trả lời có bị áp lực từ trẻ. Môi trường lao động cũng rất đáng lưu ý vì theo khảo sát này chỉ có 40% là hài lòng với mối quan hệ giữa giáo viên và đồng nghiệp, nguyên nhân dẫn đến không hài lòng chính là tính ích kỷ, không chia sẻ, ganh tị, nói xấu nhau…

Đặng Trinh

Có một phản hồi »

  1. Pingback: Niềm Đau Của Giáo Viên Yêu Nghề « Chuyển Hóa

Bình luận về bài viết này